Lão 've chai' với bảo tàng chiến tranh hiếm có

Những kỷ vật chiến tranh
Những kỷ vật chiến tranh
TP - Trong chiến tranh và sau khi đất nước hòa bình, ông Nguyễn Văn Lộc đã sưu tầm, giữ lại được hàng nghìn hiện vật thời chiến. “Gia tài” của ông được nhiều người hỏi mua với giá hàng chục tỷ đồng nhưng ông không bán. Ông Lộc nói “tôi sẵn sàng đối với người có duyên chứ không bán cho người kinh doanh”.

Lưu giữ hàng nghìn kỷ vật chiến tranh

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Lộc (SN 1945) ở ấp Bưng Còng, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Dù đã được giới thiệu trước nhưng khi đến nhà ông Lộc, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Trong và ngoài căn nhà cấp 4 của ông chỗ nào cũng được trưng kỷ vật chiến tranh. Ông Lộc cho biết, hiện đang sở hữu hàng nghìn hiện vật mà các bảo tàng ở Việt Nam không có!

Đi một vòng quanh nhà ông người viết không thể đếm được bao nhiêu thứ, thậm chí có những vật không biết nó được dùng để làm gì trong thời chiến. Ngoài những vật như: Bom dù, bom xăng, các loại đạn của ta và địch (đương nhiên đã được cơ quan chức năng cho phép và đã tháo ngòi nổ) ông Lộc còn lưu giữ thứ quân địch dùng như: Hộp, muỗng ăn cơm, bật lửa, võng, dây dù, ghế ngồi… Tất cả các gian nhà ông Lộc, những hiện vật thời chiến đều được sắp đặt như: Đạn, vỏ bom B52, võng dù, nỏ, gậy sắt, đài, két đạn, bàn ủi, chén, đĩa.. tất cả như là những vật trang trí cho căn nhà này thêm phần độc đáo hơn. Ngay trước sân, một chiếc bom dù, máy tính cũ, máy cày… được dựng lên  khiến không ít người tò mò.

“Hồi đó, mỗi lần bắn địch tan tác bỏ chạy là tôi đến gom những thứ họ dùng coi đó như chiến lợi phẩm rồi mang đi giấu. Sau khi chiến tranh kết thúc tôi đi lấy đem về cất giữ. Tôi còn nhớ như in tên gọi, công dụng các hiện vật trong nhà. Hơn 90% trong bộ sưu tập là thời chiến tranh chống Mỹ trước 1975. Khoảng 10% còn lại là vật dụng thời Pháp thuộc và trước đó nữa. Mấy năm gần đây, một số món tôi tặng cho Khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt, Bảo tàng tỉnh, huyện Dầu Tiếng... còn lại tôi lưu giữ ở nhà mình”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cho biết, hiện đang lưu giữ hơn 3.000 hiện vật. Một số hiện vật được hỏi mua giá trị hàng tỷ đồng nhưng ông không bán mà tặng bảo tàng Tam Giác Sắt. “Một số người nói sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ để sở hữu toàn bộ hiện vật tôi đang giữ. Thế nhưng, tôi không bán cho người kinh doanh. Thà tôi tặng cho người biết giữ hoặc bán cho người có duyên”, ông Lộc chia sẻ.

Nhiều viên đạn còn găm trong người

Ông Nguyễn Văn Lộc quê ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (quê hương của chị Võ Thị Sáu). Sau năm 1975, ông về xã Thanh Tuyền, Dầu Tiếng, Bình Dương lập nghiệp và ở luôn từ đó đến nay. Do cuộc sống khó khăn vào những năm sau chiến tranh vợ chồng ông từng mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Từ thú đam mê sưu tầm đồ độc, lạ, ở thời chiến tranh, sau này ông đi lượm ve chai và tiếp tục gom những thứ thuộc về chiến tranh.

Ông Lộc chỉ vào những vật gia dụng từ thời Pháp thuộc như bàn ủi, những chiếc máy nghe nhạc bằng đĩa than, những mâm đồng... mà hồi đó gia đình thượng lưu, quý tộc mới sắm được. Trên chiếc bàn ủi cổ lỗ sĩ và nhiều vật dụng khác còn ghi rõ năm sản xuất từ thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, sản xuất tại Pháp. Dòng lai lịch của những món đồ này cũng nói lên được giá trị của chúng mà ông đã cất công tìm kiếm, lưu giữ.

Lão 've chai' với bảo tàng chiến tranh hiếm có ảnh 1

Nhiều hiện vật không ai có trong nhà ông Lộc

Theo ông Lộc, khi biết có người giữ món đồ chiến tranh thì bằng mọi giá phải tìm mua cho được. Số tiền bán ve chai, tiền con cái cho ông bỏ ra mua hết những thứ trong quá khứ mà theo ông đơn giản là vì muốn lưu giữ những ký ức thời chiến.

Lão “ve chai” nói rằng, những món đồ đều có giá trị về văn hóa, lịch sử, ghi dấu ấn của con người, của thời đại trong đó. “Với người không biết thì đó có thể nó là vật vô tri vô giác, không có giá trị. Nhưng nó cũng có thể là vô giá đối với những người biết được lai lịch của nó”- ông nói và chia sẻ về niềm đam mê sưu tầm đồ độc đáo này. Nó quý và hiếm, bởi không còn ai sản xuất nữa. “Có những thứ tiền chưa chắc mua được”- ông Lộc tâm đắc.

Dù đã bước qua tuổi 75, sức khỏe đi xuống nhưng tinh thần của lão “ve chai” vẫn rất lạc quan, yêu đời. Ông Lộc cho biết, trên cơ thể ông hiện vẫn còn nhiều đầu đạn găm chưa được lấy ra. Chỉ tay lên vai trái và phần lưng ngực, ông Lộc nói có 3 viên đạn bị địch bắn trúng vẫn theo ông hàng chục năm.

“Thể xác có thể đau vì đạn găm nhưng tinh thần tôi không thấy đau. Ngược lại, chúng như một người bạn của quá khứ. Người ta hay đùa tôi, ông không chỉ chứa đầy kỷ vật chiến tranh trong nhà mà ngay trên người cũng có. Tôi không biết, khi mất đi các con có giữ được các hiện vật của mình, đó là điều tôi trăn trở nhất”, ông Lộc bày tỏ.

Ông Lưu Vĩnh Quốc - Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền cho biết, ông Nguyễn Văn Lộc là người sống tình cảm. Ông Lộc đã tặng nhiều kỷ vật chiến tranh cho các bảo tàng. Các con ông Lộc đều lớn và ở riêng, chỉ vợ chồng ông sống với nhau cùng hàng nghìn hiện vật thời chiến.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".