Làng thanh niên trên miền cao Vị Xuyên

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà cùng các đồng chí lãnh đạo tham gia trồng cây tại vùng Dự án. Ảnh: Xuân Tùng.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà cùng các đồng chí lãnh đạo tham gia trồng cây tại vùng Dự án. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Những ngày đầu tháng Bảy, đồng bào các dân tộc xã biên giới Minh Tân (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) như được tiếp thêm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ Dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) tại thôn Phìn Sảng do T.Ư Đoàn phối hợp với các bộ ngành, địa phương đề xuất và được Thủ tướng phê duyệt.

Dựng làng trên núi

Xã Minh Tân núi bao bọc bốn bề. Dù chỉ cách quốc lộ 4C chưa đến chục km nhưng chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ đi ô tô mới đến nơi. Con đường gập ghềnh toàn đá hộc trơn trượt, cơ man dốc cao ngút khiến chiếc xe chở chúng tôi, dù đã được kích thêm cầu vẫn ì ạch gặm từng mét đường. Các cán bộ Tỉnh Đoàn Hà Giang nói vui, đường vào xã vừa được cải thiện chứ trước đây chỉ có thể đi xe máy khi nắng ráo, còn trời mưa cầm chắc đi bộ.

Minh Tân là xã nghèo nhất huyện Vị Xuyên. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và tự nhiên, vẫn mang tính tự cung tự cấp. Toàn xã có 1.303 hộ gia đình (trong đó 350 hộ gia đình thanh niên làm chủ hộ), chủ yếu là người dân tộc thiểu số; số hộ nghèo chiếm trên 70%. Thuộc diện gia đình khấm khá, có nhà xây gạch lợp mái tôn xi măng ở thôn Phìn Sảng xã Minh Tân, nhưng bà Phàn Thị Sinh (60 tuổi, dân tộc Dao) cho hay, cả năm chỉ làm được một vụ lúa, vụ ngô nên không bị đói. Bà Sinh cho biết, năm nay gia đình đã bẻ bắp về phơi, vụ lúa vẫn chưa làm được vì ruộng cạn, không có nước. “Từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch hàng năm, trên này thiếu nước lắm. Nước ăn còn chẳng đủ”, bà Sinh nói.

Làng TNLN Minh Tân thuộc Đề án xây dựng 15 Làng TNLN giai đoạn 2013-2020 do T.Ư Đoàn phối hợp với các bộ ngành và địa phương đề xuất và được Thủ tướng phê duyệt. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Làng TNLN có ý nghĩa hỗ trợ giúp đỡ thanh niên, nhất là thanh niên ở các vùng nông thôn, miền núi ổn định đời sống và phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững. Theo anh Tuấn, xây dựng Làng TNLN sẽ là cơ hội để bà con nhân dân xã Minh Tân đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.

Giúp thanh niên thoát nghèo

Đồng bào thôn Phìn Sảng và xã Minh Tân đều hy vọng và tin vào cuộc sống no ấm, dễ dàng hơn với Làng TNLN Minh Tân. Đông đảo người dân xúng xính trong bộ quần áo truyền thống của người Dao và thanh niên mặc áo tình nguyện đã có mặt tham gia Lễ ra quân xây dựng Làng, do T.Ư Đoàn phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức. Các hộ gia đình đoàn viên thanh niên trong thôn đã ký cam kết tham gia thực hiện dự án với lãnh đạo Tỉnh Đoàn Hà Giang và lãnh đạo xã Minh Tân. Nhiều nội dung đã được thực hiện sau lễ phát động như: Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, xây dựng cơ sở hạ tầng; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ môi trường…

Nhiều hộ gia đình trong khu vực xây dựng Làng như bà Phàn Thị Sinh đều sẵn lòng giao đất. “Giao đất để xây dựng làng đẹp hơn cho con cháu mình khỏi khổ thì dễ thôi mà. Con trai, con dâu mình đều đồng ý hết”, bà Sinh vui vẻ nói. Anh Bế Hồng Quân (SN 1985, dân tộc Tày) ở thôn Phỉn Sàng – trụ cột của gia đình nhỏ có vợ và một con nhỏ, hồ hởi vào tương lai rất gần Làng TNLN sẽ mang tới đường điện, giao thông thuận tiện, qua đó góp phần cải thiện đời sống, văn hóa giáo dục cho đồng bào. “Tham gia làng TNLN, chúng tôi sẽ có cơ hội tiếp nhận kiến thức, biện pháp khoa học kỹ thuật và thông tin văn hóa để phát triển toàn diện con người”, anh Quân kỳ vọng.

Đại diện chủ đầu tư, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà cho biết, Làng TNLN Minh Tân bao gồm toàn bộ thôn Phìn Sảng có tổng diện tích tự nhiên 1.098ha. Mục tiêu xây dựng là để tiếp nhận 40 hộ gia đình thanh niên vào làng và ổn định 113 hộ tại chỗ, giải quyết việc làm cho 100 lao động thường xuyên. Làng có tổng vốn đầu tư hơn 48,5 tỷ đồng, có các công trình dân dụng như nhà văn hóa, nhà trẻ mẫu giáo, nhà ở và làm việc cho Ban quản lý, nhà ở giáo viên, kho xưởng thu cất nông sản và dược liệu. “Phấn đấu đến năm 2018, đây sẽ là làng điểm về phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích”, chị Hà nói.

Nhiều hoạt động tình nguyện xây dựng Làng TNLN đã được tổ chức ngay sau lễ ra quân như xây dựng cơ sở hạ tầng; hướng dẫn tuyên truyền kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ môi trường; ưu tiên đầu tư và triển khai các mô hình kinh tế mẫu; phối hợp với các đơn vị đoàn bạn triển khai các hoạt động tình nguyện trong làng; tuyển chọn thanh niên tham gia vào Tổng đội TNXP xây dựng làng; xây dựng tổ chức Chi đoàn kiểu mẫu tại Làng TNLN gắn với bảo tồn và phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

MỚI - NÓNG