Lạng Sơn: Doanh nghiệp không đồng thuận, ách tắc hàng xuất khẩu tái diễn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước tình trạng ùn ứ hàng xuất xuất khẩu trên biên giới, tỉnh Lạng Sơn thống nhất với ngành chức năng Trung Quốc áp dụng 2 phương thức giao nhận hàng mới. Tuy nhiên, việc thí điểm phương thức này vấp phải những khó khăn, bất cập dẫn đến hàng hóa trở lại ách tắc hơn

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng 2/3, ở các cửa khẩu ở tỉnh còn tồn hơn 1.493 xe hàng, trong đó hoa quả tươi chiếm khoảng gần 70%. Trước đó, để giải quyết sự tồn ứ hàng ở biên giới, Lạng Sơn bàn bạc, thống nhất với phía Trung Quốc thí điểm áp dụng 2 phương thức giao nhận hàng tại cửa khẩu Hữu Nghị (từ ngày 1/3) và Tân Thanh (từ ngày 22/2).

Ngay từ ngày đầu tiên áp dụng thí điểm, tại hai cửa khẩu trên đã xảy ra những va chạm, không đồng thuận giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng địa phương dẫn đến việc ùn ứ, ách tắc xảy ra. Tại Tân Thanh, ngày 22/2 mới xuất được 9 xe, ngày hôm sau được 19 xe và duy trì ở mức trên dưới 20 xe/ngày cho đến ngày hôm nay (chỉ bằng 1/8 so với trước đây). Tại cửa khẩu Hữu Nghị (ngày 1/3), chỉ xuất được 2 xe hàng; ngày 2/3 không xuất được xe nào, đến sáng nay (3/3), mới có 1 xe làm thủ tục thông quan.

Lạng Sơn: Doanh nghiệp không đồng thuận, ách tắc hàng xuất khẩu tái diễn ảnh 1

Chủ hàng, doanh nghiệp ở cửa khẩu Tân Thanh tập trung kiến nghị một số điểm về áp dụng phương thức giao hàng mới. Ảnh: Duy Chiến

Lạng Sơn: Doanh nghiệp không đồng thuận, ách tắc hàng xuất khẩu tái diễn ảnh 2

Một số lái xe "đội chuyên trách" nhiễm COVID-19, nên thiếu lái xe, phương tiện chở hàng sang bên kia biên giới. Ảnh: Duy Chiến

Lạng Sơn: Doanh nghiệp không đồng thuận, ách tắc hàng xuất khẩu tái diễn ảnh 3

Do dịch bệnh nên công tác kiểm tra, kiểm soát gắt gao dẫn đến việc xuất khẩu, xuất cảnh có những trở ngại, mất nhiều thời gian. Ảnh: Duy Chiến

Nguyên nhân được xác định là do các doanh nghiệp không đồng tình với việc phải thuê xe đầu kéo “đội chuyên trách” của các đơn vị bến bãi với giá khoảng 3-4 triệu đồng/chuyến để trung chuyển container qua cửa khẩu. Chưa hết, khi hàng sang đến bãi chờ tại Trung Quốc cắt container, thêm một lần nữa doanh nghiệp lại phải trả phí 2.500 Nhân Dân Tệ/lượt (khoảng 9 triệu đồng Việt Nam); khiến chi phí bị đội lên quá nhiều.

Một khó khăn khác là khi doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục thông quan để chờ xe đầu kéo mang hàng sang Trung Quốc phải chờ đợi rất lâu vì “đội lái xe chuyên trách” có nhiều người bị nhiễm COVID-19, đang bị cách ly. Việc chậm trễ này cũng gây những bức xúc cho doanh nghiệp, người dân.

Lạng Sơn: Doanh nghiệp không đồng thuận, ách tắc hàng xuất khẩu tái diễn ảnh 4

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục ra vào biên giới theo trật tự và phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Duy Chiến

Lạng Sơn: Doanh nghiệp không đồng thuận, ách tắc hàng xuất khẩu tái diễn ảnh 5

Đến sáng 2/3, tại 583 xe chờ hàng chờ xuất khẩu. Ảnh: Duy Chiến

Tiếp nhận thông tin này, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm xử lý ngay những phát sinh khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu mới. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai ngay các giải pháp nâng cao hiệu suất thông quan; giảm thiểu thời gian thao tác khi thực hiện cắt container; tăng cường giám sát hoạt động của đội lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu và bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Việc thay đổi, thích ứng linh hoạt các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu khó tránh khỏi phát sinh những vướng mắc. Tỉnh Lạng Sơn cam kết lắng nghe và giải quyết có tình, có lý những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân với mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Gianni Infantino.
U23 Indonesia bất ngờ có cơ hội tham dự Olympic Paris 2024
TPO - Tại đại hội diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào thứ Sáu vừa qua, chủ tịch Chủ tịch Gianni Infantino cho biết FIFA chuẩn bị đưa ra phán quyết về lệnh cấm dành cho LĐBĐ Israel. Nếu lệnh cấm được thi hành, U23 Indonesia có thể sẽ góp mặt ở vòng bảng bộ môn bóng đá Nam tại Olympic Paris 2024.