'Làn gió' tăng lương không đủ làm mát người lao động

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn trả lời chất vấn.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Long An) cho rằng, quyết định tăng lương lần này cho thấy nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ nhưng  "làn gió mới này không đủ làm mát cuộc sống của người lao động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay".

Sáng 19/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn trả lời chất vấn nội dung tập trung về vấn đề nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và về tình hình lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện tại tình hình lương trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa áp dụng thế nào. Trả lời đại biểu, bà Chuyền cho biết, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước đã có lộ trình thực hiện. Trong quy định các doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương mới và Bộ Lao động có trách nhiệm hướng dẫn để các đơn vị xây dựng thang bảng lương. Tuy nhiên, đến nay còn những nội dung chưa thực hiện xong, trong đó có việc xác định được thu nhập khác để tính vào bảo hiểm như thế nào.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Long An) cho rằng, quyết định tăng lương lần này cho thấy nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc cân đối một phần ngân sách hỗ trợ ba nhóm đối tượng người có công, người về hưu và người có mức lương thấp. Tuy nhiên, quyết định tăng lương lần này vẫn cho thấy cách làm chính sách tiền lương vẫn không đáp ứng được vấn đề căn bản là đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động.

“Ngân sách sẽ phải cân đối thêm khoản hơn 10.000 tỷ đồng nhưng làn gió mới này không đủ làm mát cuộc sống của người lao động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta cần giải pháp căn cơ để việc tăng lương thực sự có tác động đến cuộc sống của người lao động chứ không mang tính hình thức như hiện nay”, đại biểu Thắng nêu.

'Làn gió' tăng lương không đủ làm mát người lao động ảnh 1

Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng tăng lương như hiện nay chỉ mang tính hình thức

Về vấn đề trên, bà Chuyền cho biết, bà cũng đồng ý với đại biểu Thắng, tiền lương hiện nay so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%. Nâng lương đợt này cũng chưa thỏa đáng, giải quyết vấn đề cơ bản tiền lương dù Nhà nước dành 11.000 tỷ đồng. Theo bà Chuyền, trong kế hoạch vạch ra lộ trình đến năm 2015 - 2016, tiền lương cũng phải đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng do kinh tế và khả năng ngân sách nên phải đi từng bước, trước mức kéo dài lộ trình tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Còn năm nay, theo bà Chuyền, cũng do khả năng ngân sách, Hội đồng Tiền lương đã nêu nếu nâng lương thì chưa có nguồn, nhưng do yêu cầu hiện nay đó là Thủ tướng đã phê duyệt lương tối thiểu của doanh nghiệp khu vực một là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015, nhưng trong đó lương của cán bộ công nhân viên chức vẫn có 1,05 triệu đồng. Chính vì vậy, dù rất khó khăn đã quyết định dành cho một khoảng 11 nghìn tỉ đồng để giải quyết một phần tiền lương. “Đây là một quyết định rất nhân văn, nhưng thực chất nó chỉ là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ về tiền lương”, Bộ trưởng Chuyền nói thêm.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu ra tình trạng phân biệt đia phương trong tuyển dụng lao động tại một số doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ gây bất bình trong nhân dân và dư luận. “Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về việc này và hướng giải quyết tạo sự bình đẳng của người lao động tạo sự bình đẳng về việc làm”, đại biểu Hoàng nói.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng còn quan tâm đến việc hàng vạn lao động, trong đó có sinh viên ra trường nhưng không có việc làm (quý 3, năm 2014 có 174.000 lao động đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm). Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Chuyền cho biết, nguyên nhân và trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự báo cung cầu và định hướng chất lượng lao động được đào tạo.

Trả lời đại biểu, bà Chuyền cho biết, bà hoàn toàn phản đối việc tiếp nhận lao động như vậy và đó là việc làm hoàn toàn trái với quy định hiện hành về việc tuyển, tiếp nhận người lao động. “Người lao động Việt Nam được quyền lao động ở các nơi trên cả nước khi nghề nghiệp đó phù hợp với họ. Trước phản ảnh đó chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị này rút ngay việc phân biệt. Đó cũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc sử dụng lao động và cũng là việc bảo vệ quyền của người lao động”, bà Chuyền nói.

Về vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm, bà Chuyền cho biết, trong một năm có trên 800.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ra trường và những thanh niên này họ rất cần việc làm. Bà Chuyền cũng chia sẻ với bạn trẻ trong vấn đề này vì học xong ra trường ai cũng muốn có việc, nhất là những gia đình phải vay mượn tiền ăn học.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn dẫn đến doanh nghiệp phá sản, giải thể nên việc tiếp nhận lao động hạn chế. Ngoài ra việc đào tạo còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là kỹ năng nghề trình độ cao đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế. Đặc biệt, giữa đào tạo với thị trường cũng chưa gắn kết chính, vì vậy lao động ra chưa có việc làm.

Theo Quang Phong

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.