Ba đối tượng được đề xuất tăng lương năm 2015

Ba đối tượng được đề xuất tăng lương năm 2015
TPO - Theo kế hoạch vừa công bố, Chính phủ vẫn đề xuất tăng lương trong năm 2015 cho ba nhóm đối tượng: người có công; người về hưu; cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách hệ số từ 2,34 trở xuống.  

Tiền lương tăng thêm 11.100 tỷ đồng

Theo đó, Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Tài chính ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất phương án tăng lương trong năm 2015 cho 3 đối tượng. Cụ thể gồm: người có công; người về hưu; cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách hệ số từ 2,34 trở xuống (tương đương lương tháng dưới 3 triệu đồng).

Mức tăng dự kiến khoảng 8% lương tối thiểu hiện hành (1,15 triệu đồng), bằng mức lạm phát dự kiến. Được biết, đây là một trong 3 phương án tăng lương được Bộ Tài chính trình Chính phủ trước đó.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, số người có công, người về hưu do Ngân sách Nhà nước đảm bảo, khoảng 2,9 triệu người. Bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, khoảng 1,8 triệu người (tương đương khoảng 35% tổng số cán bộ).

Với phương án này, nhu cầu kinh phí cho tiền lương năm 2015 sẽ tăng thêm khoảng 11.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1.100 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thu Ngân sách Nhà nước còn khó khăn (dự kiến tổng thu khoảng 911.100 tỷ đồng) và khó cắt giảm dự toán chi, Bộ Tài chính cũng kiến nghị sử dụng một phần số tăng thu năm 2014 chuyển sang nguồn năm 2015 để tăng lương.

Năm 2014, thu Ngân sách Nhà nước dự kiến vượt kế hoạch 63.000 tỷ đồng. Số còn lại vào khoảng 1.100 tỷ đồng được đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương dành ra để cải cách tiền lương.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng hai phần ba tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ Ngân sách Nhà nước, mặt khác nhằm đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Nếu phương án trên được Quốc hội thông qua thì chính sách lương này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2015. 

Trước đó, trong báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và thu chi ngân sách hồi đầu tháng 10, Chính phủ đề xuất không tăng lương trong năm 2015 do tình hình ngân sách rất căng thẳng. Tuy nhiên, ngay đầu kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị cơ quan điều hành xem xét, bố trí tăng dự toán thu, đồng thời cắt giảm chi ngân sách để dành nguồn tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương.

Vui mừng

Trao đổi với Tiền Phong trong ngày 7/11, nhiều cán bộ công nhân viên chức rất phấn khởi, nhất là những cán bộ trẻ, vừa ra trường. “Hiện, em đang nhận lương hệ số 2,34 nên rất khó khăn để trang trãi cuộc sống vì lương chưa tới 3 triệu đồng. Được tăng lương, dù ít hay nhiều cũng là điều đáng mừng”, Nguyễn Văn Tuấn, một cán bộ hiện đang công tác tại Hà Nội cho biết.

Trong khi đó, các gia đình người có công, người nghỉ hưu cũng tỏ ra vui mừng nếu phương án tăng lương của Chính phủ được Quốc hội thông qua. “Dù ít hay nhiều, nếu được tăng lương đều vui”, bà Nguyễn Thị Minh, một cán bộ về hưu nói.

 Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, người có công vẫn là đối tượng còn nhiều khó khăn. “Nếu được tăng lương sẽ là khích lệ lớn đối với người có công. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công ơn của họ”, vị đại diện Bộ LĐ-TB&XH nói.

MỚI - NÓNG