Một gánh củi, một bao than, một khoảnh rừng bị đốt để làm rẫy, một vài con thú bị săn bẫy, dăm bảy cây gỗ bị đốn hạ, cưa xẻ, nhọc nhằn mang ra khỏi rừng… nợ áo cơm, con cái thúc ép sau lưng khiến họ đành nhắm mắt làm liều trước các quy định lệ luật. Họ là lâm tặc đó ư?
Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng hôm qua (1/12) tại Đà Nẵng, lãnh đạo Cục Kiểm lâm cho rằng đối tượng đứng sau thuê đồng bào phá rừng mới là “lâm tặc đầu sỏ”. Nhưng oái oăm thay, những lâm tặc đầu sỏ này đa phần không thể phát hiện và xử lý được.
Những lâm tặc đầu sỏ theo nhận định của Cục Kiểm lâm có phép tàng hình, hay thủ đoạn quá tinh vi chăng? Chắc chắn là không. Những kẻ đầu nậu chuyên thu gom gỗ thì địa phương có rừng nào không có. Những xưởng cưa xẻ trái phép mọc lên như nấm chắc không phải là quá khó để phát hiện. Những thương vụ tập kết hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét khối gỗ lậu xuôi theo từng toa tàu, hay những chuyến xe siêu trường siêu trọng vượt qua hàng chục tỉnh, thành với giăng mắc trạm kiểm tra, kiểm soát không lẽ lực lượng chức năng không biết?
Dư luận có quyền so sánh, chỉ một tép heroin bé tẹo thôi mà lực lượng phòng chống ma túy còn tìm ra thì vì sao hàng ngàn phách gỗ lậu quý hiếm ngang nhiên diễu trước mặt cơ quan chức năng mà họ không thấy. Họ bị phép thôi miên chăng?
Sẽ không có gì lạ khi có nhiều vụ vận chuyển trái phép gỗ lậu mà người áp tải không ai khác là cán bộ kiểm lâm.
Một cán bộ làm lâu năm trong lực lượng kiểm lâm tâm sự rằng, có một công thức cộng sinh hình thành trong lĩnh vực này. Phải có người trực tiếp khai thác, có người thu gom, có người mua đường (bôi trơn, hối lộ) và mọi dòng chảy về ông trùm khuynh loát thị trường gỗ. Ăn chia sòng phẳng. Thế nên, vị này kết luận chua chát: Hết rừng là hết lâm tặc thôi, chống làm chi cho mất công, tốn của!
Một con số được đưa ra: Trong số 18.417 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã xử lý thì có tới 18.222 vụ phạt hành chính, xử lý hình sự 195 vụ nhưng đưa ra xét xử có 10 vụ, đạt tỷ lệ chỉ 5%. Quả là con số buồn! Con số đó sẽ tỷ lệ nghịch với diện tích rừng bị phá.
Câu truyền khẩu chống lâm tặc trước tiên là làm ngay trong lực lượng chống lâm tặc ấy, thật đáng suy ngẫm.