Kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020)

Làm 'phi hành gia' trong buồng bệnh COVID-19

Phóng viên báo Tiền Phong tác nghiệp bên trong buồng chữa bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Phan Chung
Phóng viên báo Tiền Phong tác nghiệp bên trong buồng chữa bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Phan Chung
TP - Phóng viên báo Tiền Phong luôn xuất hiện ở những điểm nóng, để đem đến cho độc giả những thông tin chính xác, kịp thời. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, xin kể lại một trong những hành trình tác nghiệp của phóng viên Tiền Phong.

Đó là những ngày tháng căng thẳng nhất đại dịch COVID-19, tại phòng xét nghiệm của CDC Đà Nẵng, khu cách ly và trực tiếp đi vào buồng bệnh nơi bác sĩ chăm sóc chữa trị cho các bệnh nhân…

Ngày 8/3, hai du khách người Pháp đến Đà Nẵng được xác định dương tính với SAR-CoV-2 nhập viện để chữa trị. Thông tin hai ca du khách Pháp đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người trong hành trình khiến người dân và lực lượng chức năng TP Đà Nẵng hết sức lo lắng. Thời điểm này, nhiều đồng nghiệp đã dè chừng đến nơi đông người, bệnh viện lại càng tránh xa, tôi và Phan Chung (báo Đà Nẵng) lên phòng lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng xin phép được tác nghiệp và ghi hình tại khu vực cách ly chữa trị. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Phó giám đốc Bệnh viện, gật đầu đồng ý nhưng lại căn dặn: “Anh em lên hỏi thêm ý kiến bác sĩ Hàm”.

Khu cách ly chữa trị ở khoa Y học Nhiệt đới nằm ở tầng 4 của dãy nhà được phong tỏa và bảo vệ nghiệm ngặt. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng Khoa, ở tầng 3 cùng cộng sự đang theo dõi các ca bệnh COVID qua hệ thống camera vừa được lắp đặt. Chúng tôi ngỏ ý muốn vào khu cách ly chữa trị ghi hình, bác sĩ Hàm cười rồi nói: “Có gì đâu mà vào. Anh em ghi hình qua camera là được rồi. Giờ chưa nên vào”. Là một trong số những bác sĩ giỏi, lại có hàng chục năm kinh nghiệm, bác sĩ Hàm không muốn anh em vào vì diễn biến và sự lây nhiễm bệnh COVID-19 đang rất khó lường. An toàn, tránh lây nhiễm virus cho nhân viên y tế và lây ra cộng đồng là yêu cầu cao nhất.

“Anh em yên tâm, nếu lây nhiễm thì bác sĩ, điều dưỡng chúng tôi tiếp xúc hàng ngày nhiễm hết rồi. Quan trọng nhất là công tác bảo hộ. Lúc nào vào được tôi sẽ dẫn anh em vào”, bác sĩ Hàm nói sau khi cùng bác sĩ Trung chia sẻ hết quy trình chữa trị, sàng lọc bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện. Đủ tư liệu và hình ảnh cho những bản tin, bài báo.

Trước khi chia tay bác sĩ Hàm, tôi và Chung chọc đùa: “Bọn em sẽ còn làm phiền bác Hàm dài dài đó”. Và liên tiếp những ngày sau đó, khi những ca bệnh tiếp theo được nhập viện, chúng tôi lại lên khoa gặp bác sĩ Hàm để hỏi chuyện. Bác sĩ Hàm luôn vui vẻ trả lời những câu hỏi và thắc mắc của anh em.

Làm 'phi hành gia' trong buồng bệnh COVID-19 ảnh 1

Phóng viên Tiền Phong hỏi thăm tình hình sức khỏe nữ bệnh nhân số 135 tại Bệnh viện Đà Nẵng

Ngày 8/4, chúng tôi lên lại Bệnh viện Đà Nẵng khi 5/6 ca bệnh đã được chữa trị khỏi và ra viện. Tinh thần anh chị em bác sĩ tại đây đã giãn ra, bớt căng thẳng bởi nữ bệnh nhân cuối cùng đã cho 2 lần kết quả xét nghiệm âm tính, chờ kết quả xét nghiệm lần 3. Gõ cửa phòng bác Hàm, xin phép  vào phòng bệnh thăm bệnh nhân cuối cùng và mục sở thị việc chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hàm gật đầu đồng ý. “Giờ thì yên tâm hơn vì bệnh nhân đã hết virus. Phải an toàn chúng tôi mới dám cho người ngoài vào!”. Bác sĩ Hàm nói rồi gọi điều dưỡng trưởng chuẩn bị trang phục cho phóng viên vào khu cách ly.

Mất gần 15 phút, chúng tôi được hướng dẫn thay trang phục cá nhân, mặc áo quần của bệnh viện trước khi khoác lên bộ đồ bảo hộ y tế theo đúng quy định. Áo bảo hộ trắng bao trùm từ đầu tới chân, mắt đeo thêm kính, mũi miệng bịt 2 lớp khẩu trang, bên ngoài thêm kính chắn bảo hộ chuyên dụng. Không một mảnh da thịt, sợi tóc nào được phép lòi ra bên ngoài. Vừa mặc vào mấy phút tôi đã bắt đầu thở phì phò, tim đập thình thịch.

Bác sĩ Hàm lúc này cũng đã thay đồ xong, vỗ vai hỏi: “Sao! Có trụ nổi không. Nhưng yên tâm, đồ bảo hộ này xịn nhất rồi đấy. Xin hơn cả đồ bên Mỹ”. Cánh cửa khu cách ly mở ra, bác sĩ Hàm lại chọc đùa: “Xin mời các phi hành gia bắt đầu hành trình tham quan vũ trụ, tiêu diệt COVID-19”. Tiếng thở của tôi lúc này đã mạnh hơn. Bác sĩ Hàm lại động viên: “Bình tĩnh. Không nên lo lắng quá. Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của điều dưỡng”.

Gần 1 giờ đồng hồ tác nghiệp trong buồng bệnh mới cảm nhận được sự nóng nực, khó chịu khi khoác mang lên mình bộ đồ bảo hộ, mới thấu hiểu được những vất vả của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng ròng rã hơn cả tháng trời chăm sóc. Quy trình vào ra khu điều trị nghiêm ngặt. Tại khu vực vùng đệm của khu cách ly, phóng viên được điều dưỡng “tắm” qua một lượt dung dịch diệt khuẩn, thay toàn bộ đồ bảo hộ vứt vào thùng rác trước khi vào nhà vệ sinh tắm rửa, thay lại trang phục. Riêng máy ảnh, điện thoại cũng được xịt ướt đầm đìa dung dịch khử khuẩn trước khi lau và sấy khô.

Những bài báo, hình ảnh sinh động thực hiện được đăng lên ngay sau đó. Vào tận khu xét nghiệm CDC Đà Nẵng, rồi vào tận buồng bệnh của bệnh nhân, sau những lần tác nghiệp chúng tôi vui vì đã gửi đến bạn đọc những hình ảnh mới nhất, cụ thể nhất về công tác phòng, chống, chữa trị COVID-19 giữa lúc nước sôi lửa bỏng. Nhưng cũng đọng lại những nỗi buồn đó là khi anh em, bạn bè, đồng nghiệp nhiều người nói việc vào những “điểm nóng” như vậy là liều, là bất chấp, quá chủ quan xem thường, có người còn nói như vậy là ngu ngốc…

MỚI - NÓNG