"Việc sắp xếp, lựa chọn vụ trưởng, vụ phó ở đây đòi hỏi bản lĩnh bộ trưởng phải quyết đoán, công minh, trong bó đũa chọn cột cờ, chứ không thể để mãi như vậy. Ai cũng có lí do xác đáng, nhưng bộ trưởng là người đứng đầu thì phải quyết đoán. Nếu trong thời gian nhất định không làm được, vô hình trung năng lực lãnh đạo hạn chế nên không thể đánh giá chính xác năng lực từng cá nhân, chưa kể còn cả nể, né tránh”, ông Long nói.
Theo ông Long, trong văn bản pháp quy hiện nay không có chức danh hàm vụ trưởng, vụ phó. Cứ để chức danh này sẽ gây lãng phí, thất thoát cho nhà nước. Từ đó góp phần gây ra tình trạng bội chi ngân sách do chi thường xuyên tăng lên.
Cùng quan điểm, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, với trường hợp này, sau khi sáp nhập 2 vụ khoảng 1 năm, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cần đánh giá minh bạch, tuyển chọn người xứng đáng nhất. Cứ lấy ý kiến công khai của quần chúng và các tổ chức như chi bộ để lựa chọn người tốt nhất. Hơn nữa, trong đà cải cách, tinh giản biên chế, các bộ ngành phải kiên quyết sắp xếp lại, lựa chọn người xứng đáng trong rất nhiều ứng viên. Việc sắp xếp lại chức danh vụ trưởng, vụ phó phải vì cái chung, sự phát triển của xã hội.
“Cái này không phải lỗi của những người mang hàm vụ trưởng, vụ phó mà là lỗi của lãnh đạo Bộ KH&ĐT. Dù có yếu tố lịch sử để lại nhưng nếu kiên quyết sắp xếp một cách công tâm, vô tư thì ai cũng chấp nhận. Có lẽ do nể nang, né tránh nên lãnh đạo bộ không dám làm việc sắp xếp lại bộ máy”, bà An nói.
Trước đó, báo Tiền Phong đăng bài “Lạm phát vụ trưởng, vụ phó ở Bộ KH&ĐT”, nêu tình trạng tại Vụ Kinh tế Đối ngoại có tới 2 vụ trưởng và 5 vụ phó.