Bịt lỗ hổng bổ nhiệm cán bộ bằng quy trình 5 bước

Nhiều thành viên trong gia đình Bí thư, Phó bí thư Huyện ủy Kim Thành “làm quan” gây băn khoăn trong dư luận (ảnh LD)
Nhiều thành viên trong gia đình Bí thư, Phó bí thư Huyện ủy Kim Thành “làm quan” gây băn khoăn trong dư luận (ảnh LD)
TPO - Bộ Chính trị vừa có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước. Đây là biện pháp quan trọng nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, vốn gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua.

Ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định về bổ nhiệm cán bộ theo quy trình 5 bước nhằm mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, của Ban Thường vụ trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Theo ông Phúc, việc bổ nhiệm cán bộ có trách nhiêm của cấp uỷ, của ban thường vụ. Việc bổ nhiệm nếu xảy ra sai xót, tiêu cực, không đúng người thì chứng tỏ cấp uỷ chưa chấp hành đúng nguyên tắc của Đảng, chứ không không thể đổ lỗi cho cá nhân, người này, hay người khác.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy trình bổ nhiệm cán bộ theo 5 bước sẽ khắc phục lỗ hổng đang bị lợi dung trong công tác bổ nhiệm. Đồng thời nâng cao được tinh thần trách nhiệm, tinh thần đấu tranh của cấp uỷ, của ban thường vụ trong việc xem xét quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ một cách công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc. 

Theo quy định trước đây, việc bổ nhiệm nhân sự được tiến hành theo 3 bước trước đây, là họp ban thường vụ xin chủ trương và chốt danh sách, bước 2 là lấy ý kiến trong hội nghị cán bộ chủ chốt, bước 3 là tổ chức hội nghị Ban Chấp hành về công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều hạn chế. Có trường hợp còn mang tính hình thức, có thể bị chi phối.

Do đó, cần phải cải tiến quy trình, thủ tục theo hướng mở rộng dân chủ hơn, giúp cấp có thẩm quyền có sự lựa chọn, quyết định chuẩn xác hơn trong bổ nhiệm cán bộ.

Việc quy định bổ nhiệm cán bộ theo quy trình 5 bước gồm: Tổ chức Hội nghị ban thường vụ (lần 1); hội nghị ban chấp hành (lần 1); hội nghị ban thường vụ (lần 2); hội nghị cán bộ chủ chốt và hội nghị ban chấp hành (lần 2) về công tác cán bộ sẽ giúp ban chấp hành, ban thường vụ xem xét nguyện vọng, tín nhiệm một cách kỹ lưỡng, dân chủ để bỏ phiếu một cách chính xác hơn.

Ngoài ra kết luận của Bộ Chính trị cũng điều chỉnh thẩm quyền và phân cấp phê duyệt quy hoạch cán bộ. Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thẩm định nhân sự và ký xác nhận quy hoạch đối với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và chức danh ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương.

Đồng thời phân cấp cho các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với chức danh ủy viên ban chấp hành; chỉ đạo ban tổ chức cấp ủy các cấp phối hợp với ủy ban kiểm tra cùng cấp thẩm định và có kết luận về tiêu chuẩn cán bộ bảo đảm theo đúng quy định, trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

MỚI - NÓNG