Làm nông giữa phố: 'Hái' tiền tỷ trên đất quy hoạch treo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc dù đất nằm trong diện quy hoạch treo, nhưng không ít nông dân TPHCM vẫn miệt mài bám đất bám vườn. Họ còn ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, trồng lan, cây kiểng giá trị cao, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương…

Trồng rau công nghệ cao

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao rộng gần 500m2 ngay tại vườn nhà, chị Lê Thị Minh Phượng (35 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) - chủ trang trại Nông Nhàn Farm bộc bạch, hai vợ chồng có nhiều năm đi hợp tác lao động ở Hàn Quốc, công việc cũng liên quan đến nông nghiệp. Năm 2020, cả hai quyết định về nước lập nghiệp và đầu tư vườn rau thủy canh công nghệ cao ngay trên phần đất của gia đình.

Chị Phượng cho biết, phương pháp thủy canh giúp cây phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Đồng thời, cây phát triển nhanh hơn so với trồng ngoài đất, thời gian thu hoạch nhanh, giảm 10 - 15 ngày so với trồng bình thường. Sau thời gian xuống giống, rau cho thu hoạch mà không phải phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Đặc biệt, rau trồng trong nhà màng nên không bị các loại côn trùng gây hại. Một ưu điểm lớn so với cách trồng truyền thống là khi thu hoạch rất dễ bởi cây có rễ sạch, không dính chất bẩn hay đất, chỉ việc rút cây khỏi hộp nhựa, cắt gốc, sau đó mang đi bán.

Theo chị Phượng, khu vực chị ở có rất nhiều nông dân trồng rau, sau vướng vào quy hoạch nên họ bán đất hoặc bỏ không. Vì tiếc đất cha mẹ để lại nên cố gắng bám trụ, lập vườn rau công nghệ cao với tên Nông Nhàn Farm. Để bắt đầu thực hiện mô hình trồng rau thủy canh này là cả một quá trình dài từ ý tưởng đến đầu tư kinh phí. Hiện mỗi ngày vườn rau cung ứng cho thị trường tầm 50kg các loại xà lách, cải bó xôi, dưa leo…, thu nhập trung bình tầm 20 triệu đồng/tháng.

Thấy mảnh đất 7.000 m2 của gia đình nhiều năm gần như bỏ hoang lãng phí vì vướng quy hoạch treo, anh Phạm Minh Mẫn (38 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) đã bắt tay vào cải tạo lại để trồng hoa lan. Vườn lan của anh Mẫn hiện có hàng nghìn chậu lan với đủ các loại như Denrobium thuần chủng, Hồ Điệp, Vũ nữ, Ngọc Điểm và các loại hoa lan rừng vốn được nhập từ Thái Lan, Đài Loan, Singapore…

Làm nông giữa phố: 'Hái' tiền tỷ trên đất quy hoạch treo ảnh 1

Nông dân trẻ Phạm Minh Mẫn bắt đất quy hoạch “hái ra vàng”

Để giới thiệu sản phẩm của nhà vườn đến khách hàng nhiều hơn, anh Mẫn mở một cửa hàng hoa lan. Cùng với bán trực tiếp, anh còn bán trực tuyến qua mạng xã hội như facebook, zalo theo kiểu “buôn tận gốc, bán tận ngọn”.

Theo anh Mẫn, hiện nay thị trường tiêu dùng của hoa lan vẫn còn rất lớn. Vườn lan tại TPHCM và các tỉnh vẫn không đủ cung cấp, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Như năm 2022, sản phẩm lan tại vườn nhà anh đã “cháy hàng”. Anh phải liên kết với nhiều nhà vườn khác để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường.

Anh còn phối hợp với Hội Nông dân thường xuyên mở các lớp tập huấn, dạy nghề trồng hoa phong lan cho nông dân, các thanh niên muốn tìm hiểu, học nghề trồng hoa... Từ vài hộ trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay đã phát triển được rất nhiều vườn lan, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Gà đẻ trứng vàng trên đất hoang

Từ Bến Tre, nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Hiền (58 tuổi, ngụ đường Liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) lên TPHCM thuê khu đất 2.000m2 để trồng cây kiểng. “Nơi này nghe nói sẽ được quy hoạch để xây trường học cấp 3, trong khi chờ triển khai thì chủ đất vẫn cho mình thuê, lúc nào họ lấy lại thì mình chuyển đi nơi khác” - ông Hiền nói.

Vườn kiểng của ông Hiền có đủ loại cây như mai vàng, lộc vừng… có giá từ vài chục triệu đến bốn, năm trăm triệu đồng/chậu. Theo ông Hiền, dù là đất đang quy hoạch nhưng nếu biết tận dụng cũng có thể kiếm tiền. Như ông vốn sẵn có nghề trồng kiểng, mỗi năm bán kiểng có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.

Làm nông giữa phố: 'Hái' tiền tỷ trên đất quy hoạch treo ảnh 2

Chị Lê Thị Minh Phượng ứng dụng công nghệ cao trồng rau thủy canh tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân

Trong khi đó, tại khu đất trống rộng lớn nằm ven đường Lê Thị Riêng (phường Thới An, quận 12) những tháng cận Tết, hàng chục nông dân đến đây mượn đất trồng hoa. Người trồng ít thì khoảng 2.000 - 3.000 chậu, người trồng nhiều thì hàng chục ngàn chậu.

“Đất chỗ này bỏ trống lâu rồi, tụi tôi đến đây trồng được nhiều năm nay. Dân đây trồng chủ yếu là cúc, mào gà, hướng dương, cát tường... Giờ nhìn vậy chứ gần Tết thì khu này hoa rực rỡ lắm. Chúng tôi chỉ mượn làm hơn 4 tháng, nhưng mỗi vụ hoa Tết cũng có được khoản thu nhập kha khá, thậm chí có người một vụ thu hơn 100 triệu đồng” - anh Bình, một nông dân tại đây cho biết.

Bà Lê Thị Tư (52 tuổi) nhà ở Gò Vấp nhưng đến tận Thanh Đa thuê đất trồng kiểng. Theo lời bà Tư, trước đây bà trồng kiểng ở làng hoa Gò Vấp. Do diện tích đất ngày càng hẹp, thiếu đất nên phải đi tìm thuê, mượn các miếng đất bỏ hoang để trồng trọt.

“Tui may mắn thuê được 1.000 m2 vuông đất mà trước đây chủ cũng trồng kiểng nhưng bỏ lại, họ cho thuê với giá rẻ, chỉ vài triệu đồng/tháng. Tui trồng các loại kiểng lá, xương rồng, sen đá... phục vụ giới văn phòng, các bạn trẻ yêu thích cây cảnh. Nghề này tuy vất vả nhưng vì đam mê nên gắn bó, hơn nữa lớn tuổi rồi, nếu không làm sẽ không biết lấy gì sinh sống” - bà Tư trần tình.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) cho biết: “Trên địa bàn quận còn 2 phường có Hội Nông dân là phường Bình Trị Đông B và Tân Tạo A, riêng phường Bình Trị Đông có diện tích đất trong diện quy hoạch khoảng 50ha. Phường hiện nay đã đô thị hóa nên không còn đất canh tác, chỉ có thể tận dụng đất quy hoạch chờ bồi thường để phát triển nông nghiệp”.

“Còn dự án treo, còn đất chờ quy hoạch thì chúng tôi còn làm nông” - là câu khẳng định của những người nông dân hộ khẩu thành phố mà chúng tôi được tiếp xúc trong nhiều ngày qua.

Theo những người nông dân ở đây, họ coi nghề nông là nghề nối nghiệp tổ tiên, bởi bao đời nay cha ông làm ruộng, giờ TPHCM thành trung tâm kinh tế của cả nước, nhưng họ vẫn không quen cách sống thành thị, mà vẫn muốn sống với cánh đồng, con trâu, những vườn rau.

Có khác chăng là họ - những nhà nông trẻ luôn tìm cách ứng dụng công nghệ mới, kiến thức mới, canh tác cây trồng vật nuôi nuôi mới cho năng suất cao hơn, tiềm năng kinh tế nhiều hơn.

Chị Minh Phượng, chủ trang trại rau thủy canh Nông Nhàn Farm tâm sự: “Sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc, tôi thấy rằng dù ở ngay trung tâm thành phố nhưng các hộ gia đình đều có vườn rau sạch ngay tại nhà, vừa tạo không gian xanh, lại có nguồn thực phẩm tại chỗ. Tôi mong muốn ở Việt Nam cũng vậy. Vì thế, tôi sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau thủy canh để bà con có thể làm khu vườn nhỏ trong nhà mình”.

MỚI - NÓNG