Làm nông giữa phố-Kỳ 3: Trầm mình cùng rau nhút

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không biết tự bao giờ, nhiều khu vực ở các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An (quận 12, TPHCM) trở thành “làng rau nhút” và thu hút nhiều người dân tứ xứ về đây mưu sinh. Tuy cực nhọc nhưng nghề trồng rau nhút đã giúp người dân đủ ăn, đủ mặc, con cái được học hành...

“Cày” dưới ao sâu

Đang giữa trưa nắng gắt, dưới chân cầu Sắt Sập (phường Thạnh Xuân, quận 12), nhiều người, phần lớn là đàn ông vẫn trầm mình dưới ao để thu hoạch rau nhút. Những bó rau tươi non mơn mởn liên tục được quăng lên để người trên bờ sơ chế ngay tại chỗ.

Làm nông giữa phố-Kỳ 3: Trầm mình cùng rau nhút ảnh 1

Ông Phan Văn Hoàng cùng người cháu ngày ngày trầm mình dưới nước trồng, thu hoạch rau nhút

Sau khi thu hoạch dưới ao, một người đàn ông tuổi thất thập trèo lên bờ. Cởi bộ đồ chống thấm nước dính đầy bèo tấm vắt vội lên cây sào cho ráo nước, ông liền tay cùng vợ làm sạch những cọng rau vừa vớt từ ao lên. Đôi bàn tay gân guốc thoăn thoắt lặt rễ, lột bỏ lớp phao trắng bao bọc phía ngoài để lộ cọng rau non và xanh mướt. Ông là Phan Văn Hoàng (71 tuổi, quê Tiền Giang), đến nay có hơn 20 năm bám nghề trồng rau nhút, sau khi tha phương kiếm sống và trải qua nhiều việc làm khác nhau. Hiện tại, ông có khoảng 10.000m2 ao trồng rau nhút, ngoài ra còn thuê thêm ao ở xung quanh.

Làm nông giữa phố-Kỳ 3: Trầm mình cùng rau nhút ảnh 2

Những người phụ nữ sơ chế rau nhút ngay trên bờ ruộng

Một ngày của ông Hoàng bắt đầu từ tờ mờ sáng đến tận tối muộn. Dù trời nắng hay mưa, ông vẫn trầm mình dưới ao để chăm sóc, chăm bón, thu hoạch rau nhút. Sau đó vợ ông tự chở lên chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) bỏ cho tiểu thương. “Tôi xuất thân từ nông dân nên không ngại khó, ngại khổ, nghề nào sống được là cố gắng. Được cái là cây rau nhút dễ trồng, dễ bán, chỉ cần chịu khó một chút là không lo đói” - ông Hoàng tâm sự.

Người trồng rau nhút cũng lắm lúc lao đao. Đó là mấy năm trước khi có tin đồn thất thiệt rau nhút không có lợi cho sức khỏe hay những lúc nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn. Ông Phan Văn Hoàng cười hiền lành, tâm sự: “Làm nghề gì cũng phải có tâm, rau mình dám ăn thì mới dám bán”. Do đó ông luôn cẩn thận trong từng khâu bón phân, một tuần sau đó mới thu hoạch để an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cách đó không xa, bà Lê Thị Ngọc (66 tuổi) cố hết sức kéo tảng rau nhút vừa thu hoạch lên sát mép bờ. Rồi bà hì hục phân loại, rau dài cọng to giao nhà hàng, cọng nhỏ hơn thì đem ra chợ Thạch Đà (quận Gò Vấp) bán lẻ. Tùy vào độ dài ngắn, cọng to nhỏ mà mức giá cũng khác nhau. Hơn 30 tuổi, bà Ngọc rời quê Thanh Hóa vào TPHCM phụ trồng rau nhút với người họ hàng rồi được dạy nghề. Sau vài vụ đầu bỡ ngỡ, kinh nghiệm chưa có nên việc trồng rau gặp nhiều trở ngại, hiệu quả thấp dẫn đến thu nhập giảm sút. Càng về sau càng thạo việc, thu nhập khá hơn, cuộc sống cũng vì thế dần ổn định. Bà tâm sự, con cái bà lớn lên đi làm công nhân, không ai muốn suốt ngày “lội ao” như mẹ nên hai mươi năm qua, một mình bà tự trồng, tự thu hoạch và tự đem đi bán. “Làm mãi cũng quen nhưng tôi sợ nhất lúc trời mưa, sấm sét đì đùng khi mình đang ở giữa ao, vừa làm vừa run. Bây giờ khi mưa bão, tôi không dám mạo hiểm” - bà Ngọc bày tỏ.

Ngâm mình giữa các luống rau nổi lềnh trên mặt nước, hai tay ông Dương Đức Hòa thoăn thoắt hái những ngọn rau rồi lại thả chúng trên mặt nước. Khi vừa đủ bó, ông lấy tay gom chúng thành bó quẳng lên bờ. Công việc cứ thể tiếp diễn cho đến khi đủ số lượng cần thiết. Vừa làm, người đàn ông có hơn 10 năm thâm niên trồng rau nhút này vừa trải lòng về nỗi cơ cực của nghề: “Mỗi ngày, chúng tôi đều phải trầm mình mặt cúi gằm xuống nước, đầu phơi ra giữa cái nắng như đổ lửa. Rau này chỉ tốt khi trời nắng gắt nên chúng tôi hầu như làm việc trong mùa nắng cháy da”.

Thu tiền triệu mỗi ngày

Muốn gắn bó lâu với nghề trồng rau nhút, người nông dân ngoài lòng yêu nghề còn phải chịu khó, vì họ không chỉ ngâm mình trong nước thường xuyên mà còn phải thức khuya, dậy sớm, ăn cơm ngay ngoài ruộng để chăm sóc, hớt bèo tấm, hái rau cho kịp lứa…

Chìa đôi bàn tay thiu nhớt vì ngâm nước, bà Ngọc tặc lưỡi: “Ngâm nước thường xuyên nên da tay, chân, người rộp cả lên”. Theo bà, nghề trồng rau nhút cũng phải có kỹ thuật, thậm chí là bí quyết. Điều quan trọng nhất là không để nguồn nước bị ô nhiễm vì sẽ làm chúng kém phát triển và chết rất nhanh, nhất là vào thời điểm mưa dầm. Tuy nhiên, do môi trường, nhất là nguồn nước thải từ các khu đô thị xung quanh bị ô nhiễm nên việc giữ cho nguồn nước trong ao được sạch là rất khó khăn.

Cũng theo bà Ngọc, thường mỗi tháng thu hoạch rau 2 lần. Sau thu hoạch sẽ rải phân để cây hồi sức và tiếp tục tăng trưởng. Khi hái rau, nếu không biết cách, cây rau sẽ hỏng, không phát triển thậm chí thối, chết cây. Thế nên, việc hái rau chỉ người đàn ông khỏe mạnh mới làm được. “Ở đây, ít có chị, em phụ nữ nào trầm mình hái rau lắm” - bà Ngọc nói.

Ông Phan Văn Hoàng cũng chia sẻ, mùa rau thuận gia đình ông thu hoạch khoảng 150 kg/ngày, những ngày khác tầm 100 kg. Với thời giá hiện nay, mỗi ngày ông thu được khoảng 3 triệu đồng. Ông chia sẻ, cái khó nhất là tới mùa mưa làm rau mềm yếu, do đó phải biết cách xử lý để cứng cây, lá tốt. Tất cả những điều đó là kinh nghiệm được lão nông tích lũy qua từng năm.

Có 7 năm theo nghề trồng rau nhút, anh Nguyễn Văn Bình (35 tuổi) cho biết, từ lúc đặt cấy cây giống đến khi thu hoạch, hầu như ngày nào người trồng rau đều phải ngâm mình trong ao. Lúc giăng dây bắc giàn chia luống, khi rau bò lan phải dùng tay “bắt” vào cho gọn hàng. Việc chăm sóc, bón phân xanh cho rau cũng phải thực hiện thường xuyên. Đó còn chưa kể vài ngày lại phải lội xuống hớt bèo tấm cho rau có mặt nước thông thoáng để phát triển, cũng như không để chúng hút hết chất dinh dưỡng trong nước của rau…

Vào những dịp lễ Tết, nhu cầu rau nhút ở các nhà hàng, quán lẩu tăng cao nên từ mờ sáng những người trồng rau nhút đã đổ ra đồng và ngâm mình xuống ao để thu hoạch cho kịp giao cho thương lái, buổi chợ.

Mặc dù công việc vất vả, song thu nhập từ việc trồng rau nhút khá ổn định. Mỗi sào đất (1.000 m2) với nhiều lứa rau thu được trong vòng một năm, có thể mang lại cho người trồng khoảng từ 80-100 triệu đồng, sau khi đã trừ hết mọi chi phí đầu tư. Nhiều người làm thuê cũng có công ăn việc làm, thu nhập ổn định từ việc thu hoạch rau nhút. Chị Bùi Thị Nga (35 tuổi, quê Hải Phòng) theo chồng vào TPHCM phụ sơ chế rau nhút đến nay đã hơn 5 năm. Chị Nga chia sẻ, ngồi lặt rau cả ngày, chân tay mỏi nhừ nhưng ngày nào cũng có “đồng ra đồng vào”. Lặt rau ăn tiền, 5.000 đồng/kg. Mỗi ngày làm 50kg, kiếm tầm 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Nhờ vậy con cái được ăn học đến nơi đến chốn.

(còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.