Lại tu bổ như phá di tích

Chùa Sổ tan hoang vì nhiều sai phạm trong quá trình hạ giải. Ảnh: Mỹ Phạm
Chùa Sổ tan hoang vì nhiều sai phạm trong quá trình hạ giải. Ảnh: Mỹ Phạm
TP - Sở VHTT&DL Hà Nội có văn bản yêu cầu tạm dừng việc tu bổ di tích Chùa Sổ. Tuy nhiên, việc phá chùa thành sự đã rồi này vẫn là vấn đề nhức nhối không riêng ở Hà Nội-nơi có hơn 500 di tích.

Chùa Sổ nằm ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1986. Gần đây, chùa xuống cấp nghiêm trọng khiến nhiều chuyên gia lo ngại, vì Hà Nội đang mùa mưa bão. Tuy nhiên, ngày 15/7, Sở VHTT&DL Hà Nội kiểm tra thấy nhiều sai phạm trong quá trình tu bổ.

Tu bổ như phá

Công văn (về việc tạm dừng thi công) Sở VHTT&DL Hà Nội gửi huyện Thanh Oai ngày 16/7 nêu rõ những sai phạm về tu bổ di tích. Tại công trường không có nhà bao che bảo vệ công trình và kho bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc hạ giải. Hạng mục Tam Bảo đã hạ giải hết phần mái gồm các cấu kiện như ngói, bờ nóc, bờ giải, góc đao và hệ hoành, rui, thượng lương. Toàn bộ hệ kết cấu gỗ khi hạ giải chưa được đánh dấu ký hiệu.

Chưa kể theo văn bản thỏa thuận với Cục Di sản Văn hóa hôm 10/5, có một số hạng mục chưa được phép tôn tạo như tam quan, hành lang tả, hữu, tiền đường, ống muống, thượng điện và hậu đường, nhà phụ trợ, tường bao và hạ tầng kỹ thuật. Tại vườn cây sát hạng mục chính của chùa có dựng một lầu lục giác. Hạng mục này cũng không có trong thỏa thuận.

Đại diện đơn vị thi công cho rằng, thực hiện đúng, không có chuyện phá chùa. “Không hiểu di tích, không có sự bảo trợ hay đứng quan sát của nhà chuyên môn nhất định là phá. Bởi vì, anh lấy cơ sở khoa học nào để tu bổ, lại làm sai pháp luật là phá rõ ràng, không có lôi thôi gì cả”, GS Trần Lâm Biền nói.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, cho biết, ngay khi xuống kiểm tra nhận thấy sai phạm, Sở đề nghị tạm dừng thi công, báo cáo toàn bộ quá trình lập, triển khai dự án, việc lựa chọn đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát và đề xuất biện pháp khắc phục những thiếu sót trong quá trình triển khai dự án, gửi về Sở trước ngày 19/7.

“Tạm dừng thi công tu bổ tôn tạo chùa Sổ cho đến khi chủ đầu tư đảm bảo nội dung được quy định trong văn bản được Sở chấp thuận. Đồng thời, Sở yêu cầu dỡ bỏ lầu lục giác không có trong dự án”, ông Động nói.

Giá trị hiếm có

“Những mảng gốm lớn có hình tượng những linh vật như hổ phù với nét đao mác là biểu tượng sấm chớp, nay xếp chỏng chơ như đồ bỏ. Xin nói rằng, những mảnh gốm ở trên mái chùa Sổ là điển hình mà người ta không biết. Cái đó là đau vô kể. Tôi thấy quá đẹp đi mà ở các di tích khác rất hiếm có. Ngoài kiến trúc nền cực đẹp, kiến trúc mái chùa rất quý, mang biểu tượng tầng trời. Những biểu tượng tầng trời bị vứt ở dưới đất cùng đống ngói vỡ thì làm sao chấp nhận được. Chúng tôi thấy những mảng chạm gỗ thế kỷ 17 bị vứt bừa bãi, úp cả mặt trang trí xuống đất để ngói, vật khác đè lên. Không chỉ xót xa, còn tới mức độ căm giận”, GS Biền nói.

Theo ông Biền, kiến trúc chùa Sổ có giá trị cao, đặc biệt thượng điện. “Xung quanh thượng điện có gạch in hình rồng, phượng, lân, hổ, hoa cỏ đúng thế kỷ 17. Chỉ có số ít chùa có được, như một chùa ở Thường Tín, chùa Bối Khê, đền Phù Đổng có vài viên như thế.

Duy chùa Sổ có gạch bao hết xung quanh. Thượng điện là chùa gốc, đến thế kỷ 17 mới nối tiếp ra đằng trước có tiền đường, và có nhà nối ở giữa mà nhà chùa gọi là nhà Cầu. Tam quan không rõ đưa ở đâu về, chứ không phải ở chùa. Nhưng nó đẹp, vẫn giữ được dáng gốc của nghệ thuật”, GS Biền nói.

Phía sau có nhà ba tầng mái gọi là Tam phẩm vãn sanh. Theo GS Biền, tòa nhà này có giá trị tôn giáo, tín ngưỡng hiếm có ở các kiến trúc khác.

Sau này, gác chuông ở chùa Keo cũng được làm theo hình thức ba tầng này, nhưng không giữ được truyền thống Tam phẩm vãn sanh như chùa Sổ, chùa Bút Tháp. Tầng hai của gác chuông chùa Sổ hiện còn giữ được những nét chạm khắc rất rõ, thể hiện ước vọng cho cuộc sống thế gian.

Ngoài ra, ở đây còn có pho tượng quý, hiện được bảo quản tại chỗ, sơ sài, hớ hênh. Theo đánh giá của một số chuyên gia, tượng có niên đại khoảng những năm 20-30 thế kỷ 17. Trên tượng Phật có nhiều hình chạm khắc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, có phong cách thời Mạc: mũ Bình Thiên hình vuông, có bốn kim tòng thuần Việt, trên mũ có những vân xoắn biểu tượng của sấm chớp.

Xỷ lý nghiêm

Không phải đợi đến trường hợp chùa Sổ, các chuyên gia mới đau xót trước cảnh thi công tu bổ như phá di tích. Hàng loạt di tích bị phá bỏ, làm mới không thương tiếc như thành nhà Mạc, đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc). Theo GS Biền, sai phạm lặp lại, ngày càng nghiêm trọng, do không có ý thức yêu quý, không hiểu di sản văn hóa, ý nghĩa đằng sau nghệ thuật, tâm linh.

“Di tích được tu bổ tốt nhất cũng chỉ đạt khoảng 70% so với nguyên gốc là may”, GS Biền nói. Theo ông, tu bổ đình Tây Đằng tốt nhất, hơn hẳn đình Chu Quyến vì trước khi tu bổ, đã làm hội thảo với kiến trúc sư và cả thợ. Họ nghe người hiểu biết nói về lịch sử, giá trị nghệ thuật của từng mảng một. “Đến nỗi mà khi tu bổ, người làm có thay thế hay không, khi phát hiện ra điều gì họ dừng lại, không dám làm, phải chờ anh em chúng tôi có ý kiến”, ông nói.

Đội ngũ làm tu bổ rất đông, nhưng không phải ai cũng có nghiệp vụ về di sản văn hóa. Một nguyên nhân dẫn đến sai phạm khi tu bổ: Chi phí cho tu bổ lớn hơn rất nhiều so với việc dựng lại di sản. Nhiều chuyên gia gọi đây là tu sửa, chứ không phải tu bổ.

Liệu còn cứu được chùa Sổ, và hàng trăm di tích khác? “Muốn giữ được thật tốt, ngay đối với chùa Sổ, cơ quan chức năng phải thực thi pháp luật, uốn nắn đưa vào pháp luật. Phải cương quyết hành xử, chứ không thể chỉ đến xem, phê phán, bắt phạt rồi lại cho tiếp tục thi công. Như thế là tiếp tay cho phá hoại. Ngành văn hóa cần đào tạo kỹ hơn những người làm tu bổ, nâng cao nhận thức hiểu biết về văn hóa nghệ thuật của tổ tiên, đặc biệt về di sản văn hóa”, ông Biền nhấn mạnh.

Xem lại năng lực đơn vị thi công

“Đưa đơn vị ra khỏi dự án này hay không phải tuân theo luật đấu thầu. Sau khi đình chỉ, nếu kiểm tra thấy đơn vị không đủ năng lực thực hiện dự án, chúng tôi nhất chí kiến nghị loại đơn vị ra khỏi dự án tu bổ”, ông Tô Văn Động nói. Cty CP Xây dựng số 10 là đơn vị thi công dự án này.

Lãnh đạo Sở VHTT&DL nói thêm, qua sự việc xảy ra tại chùa Sổ, Sở đề nghị UBND huyện chỉ đạo rà soát, kiểm tra các di tích đang tu bổ, tôn tạo trên địa bàn, gồm di tích đã và chưa xếp hạng, để kịp thời hướng dẫn các nội dung không phù hợp, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong công tác trùng tu.

MỚI - NÓNG