Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung:

Lãi suất VND ổn định, USD 'nhấp nhổm' tăng

Tỷ giá VND/USD đã có đợt sóng mới từ đầu năm tới nay
Tỷ giá VND/USD đã có đợt sóng mới từ đầu năm tới nay
TPO - Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của đồng CNY sẽ có tác động nhất định đến VND. Sau gần 4 tháng đi ngang, chỉ trong khoảng 3 tuần gần đây, tỷ giá USD/VND giao dịch trên ngân hàng đã tăng 0.52% ở chiều mua vào, và 0.65% ở chiều bán ra so với thời điểm đầu năm, tỷ giá trung tâm cũng tăng lên mức 23.057 đồng /USD trong khi lãi suất VND lại ổn định.

Tỷ giá USD/VND: tạo sóng đầu tiên kể từ đầu năm

Việc Trung Quốc đột ngột rút lại hầu hết các cam kết đã đạt được trong những vòng đàm phán trước đã châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ của tổng thống Donald Trump. Mỹ đã chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% vào 250 tỷ hàng hóa Trung Quốc và đe dọa đánh thuế 25% vào 325 tỷ hàng hóa còn lại nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong 1 tháng tới.

Diễn biến vừa qua thể hiện sự khó lường của cuộc chiến này nhưng có một điều khá rõ ràng là mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc còn rất lớn, khó có thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn. Nếu một thỏa thuận được đưa ra trong 1 tháng tới có thể giúp tình hình lắng dịu, dù chỉ là tạm thời.

Trong tuần, chỉ số DXY giảm nhẹ từ 97.5 xuống 97.3 trong khi CNY mất giá thêm 1.3%, hiện ở mức 6.82CNY/USD. Rủi ro gia tăng khiến các kênh trú ẩn như JPY tăng 1%, CHF tăng 0.5%, vàng tăng 0.54%, lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm 6-7bps.

Tỷ giá giao dịch USD/VND tăng đạt đỉnh vào ngày 9/5 với mức tăng 130/150 đ/USD ở tỷ giá niêm yết của ngân hàng, lên 23.340/23.460 và 115đ/USD, lên 23.390/23.410 trên thị trường tự do sau đó giảm khá mạnh vào ngày cuối tuần.

Kết thúc tuần ở mức 23.285/23.405 trên ngân hàng và 23.350/23.370 trên thị trường tự do, tăng so với cuối tuần trước 95đ/USD với tỷ giá bán của ngân hàng và 75đ/USD với các tỷ giá còn lại.

Sau gần 4 tháng đi ngang, chỉ trong khoảng 3 tuần gần đây, tỷ giá USD/VND giao dịch trên ngân hàng đã tăng 0.52% ở chiều mua vào, và 0.65% ở chiều bán ra so với thời điểm đầu năm, tỷ giá trung tâm cũng tăng lên mức 23.057đ/USD, 

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của đồng CNY sẽ có tác động nhất định đến VND.

Bên cạnh áp lực từ diễn biến quốc tế, nguồn cung USD trong nước cũng bắt đầu hạn chế hơn khi cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt 550 triệu USD trong tháng 4. Rủi ro với tỷ giá USD/VND đang gia tăng.

Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục được kiểm soát như:  kinh nghiệm điều hành của Chính phủ và NHNN;  dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức cao nhất từ trước tới nay;  triển vọng gia tăng nguồn vốn FII từ những thương vụ bán vốn lớn và Trung Quốc sẽ phải có biện pháp mạnh nhằm kiểm soát đồng nội tệ như đã từng làm trong năm 2018.

Lãi suất: ổn trên cả thị trường 1 và  2

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng 24.111 tỷ đồng qua kênh tín phiếu khi có tới 50 nghìn tỷ tín phiếu đáo hạn nhưng chỉ có 25.9 nghìn tỷ đồng được phát hành. Kênh OMO không phát sinh giao dịch mới, có 515 tỷ đồng đáo hạn đưa số dư OMO về 0.

Lãi suất VND ổn định, USD 'nhấp nhổm' tăng ảnh 1 Lãi suất tiền đồng ổn định trong khi sóng tỷ giá nhấp nhổm tăng 

Tính chung lại, NHNN đã bơm ròng 23.596 tỷ đồng qua thị trường mở. Việc bơm hút được thực hiện linh hoạt theo diễn biến cung cầu trên thị trường giúp cho lãi suất trên liên ngân hàng gần như đi ngang, kết thúc tuần ở mức 3.575%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3.675%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá từ diễn biến quốc tế đang gia tăng, việc duy trì ổn định lãi suất trên liên ngân hàng để đảm bảo chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức 1.0-1.5%/năm sẽ là yếu tố quan trọng để bình ổn thị trường ngoại hối. 

Lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn duy trì ở mức 4.1%- 5.5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5-7.5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động vẫn sẽ được giữ ở mức hiện tại vì: (1) đảm bảo nguồn thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng; (2) việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất huy động hiện tại; (3) Nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.

Mặc dù tại phiên họp đầu tháng 5 FED vẫn khẳng định giữ nguyên lãi suất trong năm 2019 nhưng đó là khi tất cả đều đang lạc quan về triển vọng thỏa thuận Mỹ- Trung. Với những diễn biến leo thang gần đây, xác suất FED cắt giảm lãi suất đã nhích tăng lên khoảng 8% cho kỳ họp tháng 6 và 40% cho kỳ họp tháng 9 (theo Bloomberg).

Vẫn còn quá sớm để dự đoán nhưng nếu FED thay đổi lãi suất sẽ tác động lớn đến mặt bằng lãi suất toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.