Tỷ giá trung tâm theo đó đã tiếp tục được nâng thêm 30 đồng/USD lên mức 23.028 đồng/USD. Những nguyên nhân tác động đến tỷ giá gồm: Chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng giảm mạnh từ 1.5 đến 1.8%/năm xuống 0.4-0.7%/năm; chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên trên mức 98; Cung - cầu USD trong nước bớt thuận lợi hơn sau khi các tổ chức tín dụng đã bán tới 8,35 tỷ USD về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm 2019 và Việt Nam nhập siêu 750 triệu USD trong nửa đầu tháng 4/2019.
Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SSI, diễn biến thị trường tương đối bất ngờ trong bối cảnh hầu hết các thành viên đều đang tự tin với sự ổn định của tỷ giá nên đã có tác động tương đối lớn đến tâm lý, đặc biệt là ở thị trường tự do, đẩy tỷ giá trên ngân hàng và trên thị trường tự do tăng lần lượt là 0.3% và 0.5% chỉ trong tuần cuối tháng 4.
Giám đốc phân tích khối Nguyễn Đức Hùng Linh (Công ty SSI) cho rằng: “Nếu như không có việc Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng 5, chúng tôi nghiêng nhiều về khả năng tỷ giá sẽ ổn định trở lại”. Ông Linh đưa ra căn cứ: diễn biến lãi suất VND trên liên ngân hàng là ngắn hạn, chênh lệch lãi suất VND-USD sẽ khôi phục về mức 1-1.5%; dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể, củng cố nguồn lực để NHNN bình ổn thị trường nếu có biến động mạnh; triển vọng gia tăng nguồn vốn FII từ những thương vụ bán vốn lớn.
Cùng đó, quan điểm của FED trong phiên họp đầu tháng 5 vẫn là giữ nguyên lãi suất trong năm 2019, lạm phát lõi PCE tháng 3 của Mỹ chỉ là 1.6% - thấp hơn so với lạm phát mục tiêu nên USD chưa có nhiều lý do đủ mạnh để tiếp tục tăng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN cho biết, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn tăng tiếp. Vấn đề đáng lưu ý theo vị này là sau một thời gian liên tục mua ròng, NHNN đang phải cân đối vì không muốn đưa lượng tiền VND liên tục ra thị trường, từ đó tác động đến cung tiền tệ, ảnh hưởng đến lạm phát.