Tăng trưởng chậm
Ngân hàng UOB (Singapore) vừa có báo cáo triển vọng kinh tế quý IV. Theo đó, xét về kết quả hoạt động của từng ngành thì ngành sản xuất (bao gồm cả xây dựng), chiếm tỷ trọng khoảng 34% trong nền kinh tế, đã đạt được mức tăng trưởng khoảng 1,1% so với cùng kỳ trong quý II.
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ (chiếm tỷ trọng 43%) đã khắc phục được một số điểm yếu từ khu vực bên ngoài và đạt được mức tăng 6,1% so với cùng kỳ trong quý II.
Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua. Ảnh: Phạm Nguyễn. |
Tuy nhiên, UOB nhận định, triển vọng trong thời gian còn lại của năm có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 vào tháng 8, sau 5 tháng giảm liên tiếp.
Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua, trong khi nhập khẩu chứng kiến 10 tháng giảm liên tiếp. Nhu cầu bên ngoài suy yếu được thể hiện qua xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (thị trường lớn nhất chiếm 28% tổng xuất khẩu) đã giảm 9 tháng trong 10 tháng qua.
Đáng chú ý, nhu cầu trong nước tương đối lạc quan hơn. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 10% so với cùng kỳ, lượng khách du lịch đạt hơn 7,8 triệu. Ngân hàng UOB dự báo, vào cuối năm 2023, lượng khách đến có thể phục hồi bằng ít nhất 2/3 so với năm 2019.
“Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng cả năm là 5,2% cho năm 2023 và 6% cho năm 2024”, báo cáo của UOB nêu.
Cắt giảm lãi suất
Do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tích lũy 150 điểm cơ bản vào tháng 6, xuống còn 4,5%. Dù vậy, Ngân hàng UOB dự báo, sẽ có đợt cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,5%) trong quý 4.
Sau khi ổn định quanh mức 23.500 trong phần lớn nửa đầu năm nay, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng mạnh trong quý 4, bắt kịp các biến động của tỷ giá USD/CNY và giao dịch lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay là gần 24.400.
“Ở một khía cạnh nào đó, sự giảm giá của VNĐ phản ánh thực tế diễn biến kinh tế Việt Nam và xu hướng nới lỏng tiền tệ của cơ quan quản lý. Chúng tôi duy trì quan điểm rằng đồng VNĐ sẽ diễn biến theo sát biến động của các đồng tiền châu Á, với tỷ giá USD/VNĐ duy trì ở mức cao trong quý IV/2023 trước khi giảm xuống mức thấp hơn bắt đầu từ quý I/2024”, UOB nêu quan điểm.
Ngân hàng UOB dự báo, tỷ giá USD/VND cập nhật là 24.500 trong quý IV năm nay, 24.000 trong quý I/2024, 23.800 trong quý II/2024 và 23.600 trong quý III/2024.
Từ ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm các mức lãi suất. Ba lần trước, các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4 và 5.