Kỳ thi đặc biệt và những tuyển thủ đặc biệt

PGS. Lê Anh Vinh (bên trái), thầy Lê Bá Khánh Trình (bên phải) cùng 6 thành viên của đội tuyển IMO Việt Nam . Ảnh: PGS. Lê Anh Vinh cung cấp
PGS. Lê Anh Vinh (bên trái), thầy Lê Bá Khánh Trình (bên phải) cùng 6 thành viên của đội tuyển IMO Việt Nam . Ảnh: PGS. Lê Anh Vinh cung cấp
TP - Hôm nay, 21/9, khai mạc kỳ thi Olympic Toán quốc tế  lần thứ 61 (IMO 61). Trong lịch sử 46 năm tham gia IMO, đội tuyển Olympic Toán của Việt Nam lần đầu tiên có  một tuyển thủ là học sinh lớp 10 và cũng là lần đầu tiên IMO tổ chức thi bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tham gia đội tuyển IMO Việt Nam, Ngô Quý Đăng đang là học lớp 10 chuyên Toán, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội). Em cũng là thành viên đội tuyển IMO Việt Nam duy nhất đang học lớp 10 tính đến thời điểm này.

PGS.TS Lê Anh Vinh, trưởng đoàn IMO Việt Nam cho biết, Đăng được bạn bè gọi là “ông vua giải thưởng” khi bảng thành tích của em có hàng loạt các giải vàng, bạc quốc tế.

Ông cho biết, từ khi Quý Đăng học lớp 7, ông đã dự đoán đến năm 2020 Việt Nam sẽ có một tuyển thủ dự thi IMO khi đang học lớp 10.

Đội tuyển IMO Việt Nam còn có Chu Thị Thanh (lớp 12, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc) là nữ duy nhất nhưng rất chín chắn, rất xứng đáng là “chị cả” của cả đội nên được bầu làm lớp trưởng. PGS. Vinh đánh giá Thanh là gương mặt xuất sắc của đội tuyển IMO Việt Nam năm nay.

Trong lịch sử 46 năm dự thi IMO (có những năm không tham gia) của đoàn Việt Nam, số nữ sinh chỉ chiếm 4%. Chu Thị Thanh là thành viên nữ thứ 12 trong các đội tuyển IMO Việt Nam và là nữ duy nhất trong 5 kỳ IMO gần đây của Việt Nam. 

Thành viên đặc biệt nữa trong đội tuyển là Trương Tuấn Nghĩa. Tuy mới học lớp 11 nhưng Tuấn Nghĩa là thủ khoa vòng 1 (điểm cao nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia) và thủ khoa vòng 2 (vòng chọn đội tuyển). Trong kỳ thi “Sharygin Geometry Olympiad” năm 2017 tại Nga, Trương Tuấn Nghĩa đã là 1 trong 3 học sinh giành huy chương vàng. Bảng thành tích của Nghĩa đã được thiết lập ngay từ khi học ở THCS Hà Nội - Amsterdam với Huy chương vàng APMOPS (2015), HOMC (2017), khi học lớp 8 giành giải nhất kỳ thi học sinh Toán lớp 9 TP. Hà Nội, giải ba VMO 2019.

Thi toán trực tuyến như thế nào?

 Chia sẻ thêm vơi Tiền Phong, PGS.TS Lê Anh Vinh cho biết, vì dịch COVID-19 nên  đội tuyển các nước sẽ tham dự kỳ thi ngay tại nước mình bằng hình thức trực tuyến. Năm nay ban tổ chức sẽ chọn đề thay vì hội đồng trưởng đoàn các nước họp rồi chọn như mọi năm. Đề  thi sẽ được gửi đến trưởng đoàn các nước dự thi 3 giờ trước khi thi.

Trưởng đoàn các  nước có 2 giờ để dịch đề. Dịch xong gửi lại cho ban tổ chức, sau khi  nhóm chuyên gia về ngôn ngữ duyệt sẽ cho phép các nước tự in đề cho thí sinh của mình dự thi.  “Toàn bộ quá trình  này sẽ có chuyên gia nước ngoài giám sát. Việt Nam mời chuyên gia của Đại sứ quán Nga và trung tâm khoa học văn hóa Nga tại Hà Nội”, PGS. Lê Anh Vinh thông tin.

Thí sinh sẽ thi  trong 2  ngày, mỗi ngày 4,5 giờ với 3 bài. Một điểm thú vị nữa của kỳ thi năm nay là do múi giờ giữa các nước khác nhau, nước chủ nhà cho phép các nước tham gia chọn khung giờ bất kỳ trong ngày để bắt đầu. Nước đầu tiên kết thúc thời gian làm bài thì nước cuối cùng cũng đã bắt đầu, do đó, không bị lộ đề (học sinh đưa lên mạng).  Ban tổ chức cũng yêu cầu nước cuối cùng thi xong mới thảo luận đề. Đáp án không gửi trước cho các trưởng đoàn nghiên cứu như mọi năm, thi xong rồi mới gửi đáp án.

Theo đánh giá của PGS. Lê Anh Vinh, đội tuyển IMO Việt Nam năm nay có thuận lợi là được dự thi ngay trên “sân nhà”, không bị lệch múi giờ, vẫn gần gia đình nên tinh thần thi tốt hơn.  Thí sinh có 2 tháng học tập trung, quá trình tập huấn trước khi thi không bị thay đổi.

Kỳ thi IMO 61 có 107 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Năm 2019, đội tuyển IMO Việt Nam đoạt 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, xếp thứ 7/110.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…