Quy định học sinh được dùng điện thoại trong giờ học: Nhiều phụ huynh, giáo viên phản đối

Quy định mới cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học gây nhiều ý kiến trái chiều
Quy định mới cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học gây nhiều ý kiến trái chiều
TP - Quy định mới của Bộ GD&ÐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, với sự đồng ý của giáo viên. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh nói rằng, họ không tin tưởng giao điện thoại thông minh cho con.

Chị Đặng Diễm Linh (có con năm nay học lớp 7 ở Hà Nội) kịch liệt phản đối quy định mới với lý do ở nhà, 2 con chị đều được sử dụng thiết bị công nghệ để học tiếng Anh, tìm kiếm các nội dung học tập cần thiết và giải trí dưới sự giám sát của người lớn, nhưng nếu bố mẹ lơ là, con có thể chơi điện tử hoặc truy cập vào nội dung xấu, độc trên kênh YouTube. Chị Linh cho rằng, với quy định mới, con được toàn quyền sử dụng trong và ngoài lớp, cả thầy cô và bố mẹ khó có thể biết trẻ dùng điện thoại vào mục đích gì.

Thầy T.H.H, giáo viên một trường THPT tại Nghệ An, cũng phản đối quy định mới vì một lớp học đông học sinh, giáo viên khó có thể kiểm soát được hết. Khó mà biết ngoài giờ được phép sử dụng điện thoại thông minh, học sinh sẽ lén lút dùng smartphone cho mục đích gì. Nhiều phụ huynh, giáo viên khác cũng lo ngại, học sinh dùng điện thoại sẽ mất tập trung học tập trên lớp, thay vào đó, có thể lén lút nhắn tin, chơi điện tử, thậm chí xem phim đen…

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc sử dụng thiết bị công nghệ để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là rất tốt. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), cho rằng, đây là bước đột phá tốt cho học sinh, giúp khơi nguồn vui cho các em. Theo ông Phú, phụ huynh lo các em mê chơi, sử dụng Internet để khám phá nhiều thứ rồi ảnh hưởng việc học, trong khi một số giáo viên lo lắng phải quản lý kỹ tiết học, xem học sinh nào dùng điện thoại khi chưa cho phép, rồi dạy cái gì để các em sử dụng smartphone. Cũng có giáo viên sợ học sinh lướt web, xem phim, chơi điện tử, chat, ghi âm, ghi hình..., thậm cho lo xảy ra tình trạng mất điện thoại. Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, nếu sử dụng smartphone một cách hợp lý, đây sẽ là một “cuốn sách điện tử” giúp thầy cô giải quyết được nhiều vấn đề mà trước đây thường phải “hẹn tiết sau thầy trả lời”.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Giám đốc Cty InnEdu STEAM (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và phát triển giáo dục) cho rằng, nhà trường, thầy cô nên tìm giải pháp để khai thác và kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại, thay vì cấm. Việc cấm sẽ cản trở giáo dục thích nghi với thế giới số.

Cần cân nhắc

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 cho rằng, học sinh có thói quen dùng điện thoại có khả năng giảm tương tác với nhau để học hỏi. Lạm dụng thiết bị công nghệ cũng dẫn đến lười tư duy, mất khả năng đào sâu suy nghĩ khi gặp vấn đề khó vì đã có sẵn công cụ tìm kiếm.

“Quy định mới cũng có thể dẫn đến việc khó kiểm soát gian lận khi kiểm tra, đạo văn. Bên cạnh đó, dùng điện thoại nhiều khiến mắt nhanh lão hóa. Không ít phụ huynh lại dở khóc dở cười vì vấn đề tài chính và kiểm soát con cái”, ông Vinh nói.

Vì thế, TS Vinh cho rằng, cần cân nhắc trước khi giao điện thoại cho học sinh. Việc này đòi hỏi phải có nghiên cứu phù hợp giữa thời lượng sử dụng điện thoại trong giờ học ở các lứa tuổi khác nhau và tỷ lệ giáo viên có khả năng hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học. “Việc sử dụng điện thoại thông minh ảnh hưởng thế nào đến hành vi, nhân cách học sinh thế nào cũng cần được làm rõ để có sự đồng thuận của phụ huynh”, ông Vinh nói.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.