Kỷ niệm nhỏ về vị Đổng lý văn phòng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tin buồn vào một ngày lạnh. Ông Đoàn Mạnh Giao, từng nhiều năm đảm chức Chánh Văn phòng Chính phủ đã ra đi…

Do công việc mà cánh báo chí chúng tôi có mối quen thân với ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Đoàn Mạnh Giao. Trong những chuyến công cán ở xứ người, ông thường hỏi han chúng tôi về cả sinh hoạt và công việc. Sự hỏi han chẳng phải là chiếu lệ! Ông biết chúng tôi có nhiều hạn chế không được tiếp cận với nguồn tin một cách ngọn ngành đầy đủ nên thường chủ động gặp để bổ sung.

Kỷ niệm nhỏ về vị Đổng lý văn phòng ảnh 1

Đoàn đại biểu Việt Nam viếng tượng Nguyễn Trãi. Tháng 6/2005

Chương trình đột xuất, bất ngờ

Tôi có mặt trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Canada của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 6/2005. Có dừng ở Quebec thời gian chỉ một ngày đêm.

Chiều hôm mới tới, ngồi với mấy Việt kiều, tôi nghe bà con kể lại là tại thành phố này mới diễn ra một sự kiện văn hóa. Bức tượng bán thân văn hào Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa đã được nghệ sĩ điêu khắc Việt kiều Trương Chánh Trung và ông Nguyễn Khắc Định thiết kế và thi công đặt tại công viên Parc de L’Arti Lerie ở trung tâm thành phố Quebec. Đây là thành phố được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Công viên Parc de L’Arti Lerie còn có tên là khu địa đàng nghệ thuật.

Ngó cuốn sổ lịch trình và hỏi bộ phận lễ tân chuyến thăm, tôi biết không có chương trình Đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm tượng Nguyễn Trãi.

Tôi trù trừ. Hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ. Được hai thổ công Việt kiều ở Quebec giúp, chúng tôi vù taxi đến công viên Parc de L’Arti Lerie.

Trên xe, tôi nhanh chóng có thông tin về tác giả bức tượng. Đó là ông Nguyễn Khắc Định, một Việt kiều đã ở Quebec hơn 20 năm.

Nghe đâu ông Định là hậu duệ cụ Nguyễn Trãi (sau mới biết đúng vậy). Vợ chồng ông Định lại là chỗ quen thân của ngài Thủ hiến bang Quebec. Nguyễn Khắc Định từng là giáo sư, chủ nhiệm bộ môn cơ khí Trường Đại học LaVal danh tiếng của Quebec, Canada.

Có lẽ tài chuyển ngữ của GS Nguyễn Khắc Định cùng với những thông điệp nhân văn nhân bản thấm đẫm trong những trước tác của thi sĩ Ức Trai có lẽ đã thuyết phục những người có trách nhiệm kể cả ông thị trưởng thành phố Quebec nên lộ trình dựng tượng cũng được suôn sẻ!

Kỷ niệm nhỏ về vị Đổng lý văn phòng ảnh 2

Đổng lý Văn phòng Đoàn Mạnh Giao (trái) trong một sự kiện

Lưng vốn chẳng đủ cho việc dựng tượng thì ông gọi thêm lòng thơm thảo của bà con người Việt ở Quebec và bạn bè chung sức xúm tay vào. Từ nghiền ngẫm ý tưởng đến phác thảo, ông được người bạn và nhà điêu khắc Trương Chánh Trung theo sát giúp rập.

Tôi chầm chậm lướt qua những hàng tượng bán thân cả thân những danh nhân Canada và thế giới... Kia rồi, cách bức tượng bán thân của Puskin không xa, dưới bóng rợp của hai cây du khổng lồ có những chùm đèn đang buông xuống bật lên thứ lấp lánh của hàng chữ khắc trên nền cột đá hoa cương Nguyễn Trãi 1380-1442.

Nhà điêu khắc Trương Chánh Trung đã có lý khi không tạc cụ Ức Trai toàn thân mà chỉ là khối diện trên cột trụ đá hoa cương rất ăn với không gian khu vườn.

Phía dưới bức tượng cũng đậm nét hàng chữ khắc UNESCO tái xác nhận thi nhân này của nền văn hóa Việt Nam. Nhưng không có tên tác giả bức tượng, Giáo sư Nguyễn Khắc Định! Nhưng nào có hề chi! Hơi bị thú vị là mấy du khách Tây cũng theo tôi vái cụ Nguyễn Trãi. Bên chúng tôi là đại lộ Auberge La Chouette vun vút nườm nượp xe đêm. Về khách sạn, thấy phòng của ông Đoàn Mạnh Giao cửa mở lại sáng đèn. Ông vẫy tôi vào.

Thấy ông đương rảnh và vẫn giữ nguyên sự hứng khởi, tôi thuật lại chuyện vừa ghé bức tượng Nguyễn Trãi. Ông Giao tỏ vẻ ngạc nhiên. Lại chăm chú nghe…

Rồi một điều không ngờ đến. Chẳng rõ thông tin từ ông Chủ nhiệm VPCP đến những người có trách nhiệm như thế nào (tất nhiên phải có vị chủ sự là Thủ tướng Phan Văn Khải) mà ngay sáng hôm sau có hẳn một chương trình Đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm tượng Nguyễn Trãi tại công viên Quebec.

Bất ngờ với Thủ tướng Chu Dung Cơ

Mối thâm tình, ăn ý giữa người phụ trách VPCP Đoàn Mạnh Giao với Thủ tướng Phan Văn Khải từng nhiều năm bện quyện. Lần ấy, ông Giao kể cho tôi nghe về một sự kiện hy hữu trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1998 của Thủ tướng Phan Văn Khải.

… Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam ở khách sạn Điếu Ngư Đài. Theo lịch trình, sáng hôm sau đã là cuộc đón, hội đàm giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Chu Dung Cơ.

Chiều muộn, ông Sáu Khải gọi ông Giao lên gấp.

Vẫn chất giọng thân mật thường ngày nhưng Bộ trưởng Giao cơ hồ như nghe tiếng sét.

“Ông tìm cách nào đó bố trí cho tôi gặp được Thủ tướng Chu Dung Cơ ngay tối nay”.

Bộ trưởng Giao hoảng, đáp ngay “Không được đâu Anh Sáu ơi! Ngày mai Hội đàm chính thức rồi. Tiền lệ ngoại giao không có chuyện gặp trước thế này đâu!”.

Nhưng ông Sáu vẫn khăng khăng lệnh ông Giao thu xếp…

Không còn cách nào khác, ông Giao phải bươn bả tức thì làm việc với Sứ quán và Bộ Ngoại giao Trung Quốc…

“Rằng Thủ tướng tôi yêu cầu như thế nếu thu xếp được thì Thủ tướng tôi rất mừng, chứ tôi không được biết nội dung…”.

Nửa tiếng sau, Sứ quán Trung Quốc đồng ý. Và một tiếng sau, Thủ tướng Chu Dung Cơ thân đến biệt thự ông Sáu ở Điếu Ngư Đài.

Bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao chứng kiến Thủ tướng Chu thân mật bắt tay Thủ tướng Phan Văn Khải hồi lâu. Câu mở đầu với chủ nhà rất thành thực.

“Đồng chí cũng biết là châu Á đang khủng hoảng kinh tế. Việt Nam đang khó khăn về chuyện xuất khẩu. Đầu tư nước ngoài kém thị trường thu hẹp. Tôi hỏi đồng chí nếu đồng chí ở địa vị của tôi ở Việt Nam thì sẽ giải quyết thế nào? Tuy ngày mai chúng ta mới chính thức hội đàm nhưng vì chuyện này không tiện bàn trên bàn ngoại giao nên tôi muốn gặp riêng đồng chí như thế này”.

Bộ trưởng Giao nhẹ người khi Thủ tướng Chu cười cởi mở, chất giọng thành thực.

“Đồng chí Phan Văn Khải thân mến. Tôi và đồng chí đều mang trong đầu một mớ Plekhanov (Plekhanov là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Liên Xô nơi Thủ tướng Khải từng theo học). Chúng ta đều từng làm về tài chính ngân hàng. Chúng ta đều từng làm thị trưởng thành phố lâu nhất nước. Chúng ta đều từng phụ trách Ủy ban Khoa học Nhà nước. Chúng ta đều từng là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế trong một thời gian dài rồi bây giờ cùng thành Thủ tướng. Tôi với đồng chí không hề khác nhau về hoàn cảnh. Nếu đồng chí muốn ở tôi một lời tư vấn thì tôi chỉ có 4 chữ thôi…”.

Nói rồi Thủ tướng Chu lấy bút viết 4 chữ…

Bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao ghé nhìn sang.

Đó là Kích thích nội nhu. Nghĩa là kích thích nhu cầu nội địa.

Sau đó hai Thủ tướng còn trò chuyện rất lâu, cụ thể về việc thế nào là kích thích nội nhu.

Sau chuyến thăm ấy, về nước Thủ tướng yêu cầu ông Đoàn Mạnh Giao triệu tập họp Chính phủ đột xuất trong suốt hai ngày liên tục. Cuộc họp ấy đi đến một quyết định là phát hành trái phiếu chính phủ, đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong nước bằng chính nguồn lực nội tại. Đó là một trong những biện pháp kịp thời mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã thực hiện để Việt Nam đi qua thời kỳ cả châu Á ngập chìm trong khủng hoảng.

…Bộ trưởng Giao chất giọng bâng khuâng… Ông bộc bạch rằng, chuyện gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ đã để lại cho ông một ấn tượng đặc biệt về cách ứng xử của Anh Sáu Khải. Đúng như tính cách Nam bộ của mình, Anh Sáu không phải là người quá chú trọng về thủ tục ngoại giao, lễ tân. Anh Sáu không phải người câu nệ và tuân theo những nguyên tắc cứng nhắc. Với Anh, quan trọng nhất là đạt được mục đích thông qua con đường ngắn nhất với những người mà Anh Sáu cho rằng đáng tin cậy.

MỚI - NÓNG