Kỳ lạ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ: Hậu quả chưa đong đếm được

Với lượng lúa gạo tồn kho còn lớn, các DN, chính quyền địa phương ở ĐBSCL đang rất lo ngại về tình hình XK gạo hiện nay Ảnh: CK
Với lượng lúa gạo tồn kho còn lớn, các DN, chính quyền địa phương ở ĐBSCL đang rất lo ngại về tình hình XK gạo hiện nay Ảnh: CK
TP - Sau khi không kịp tham gia đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp rất bức xúc và liên tiếp có đơn cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, đề nghị xem xét lại việc mở tờ khai hải quan. Theo đó, thiệt hại của doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa lường hết.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, hiện tại, ở Cần Thơ có gần 25.000 tấn gạo đang nằm tại cảng chưa thể thông quan, nếu như sắp tới không giải quyết vấn đề này thì nhiều DN sẽ phá sản, thua lỗ... Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là sau khi giao hàng phía đối tác có nhận hàng hay không, hay phía họ đi mua nơi khác rồi là vướng mắc cần phải tính toán, giải quyết.

Theo ông Toại, hậu quả của việc không cho XK gạo đến thời điểm này chúng ta chưa thể cân đo đong đếm được, vì thời gian vừa qua, các DN chạy đi tìm đầu ra đã rất vất vả. Sau quyết định tạm ngưng XK đột ngột đã làm mất uy tín DN Việt Nam với thị trường thế giới, bởi vì chúng ta đã phá vỡ hợp đồng với đối tác.

Đại diện Công ty TNHH Angimex-Kitoku (An Giang) nói: “Chúng tôi hết sức bất ngờ và hoang mang. Chúng tôi đang có khoảng 892 tấn gạo đang chờ xuất, với 17 tờ khai đã có số nhưng chưa được xác nhận thông quan, phân luồng”. Theo đại diện DN này, rất nhiều DN kinh doanh gạo đều chưa kịp mở tờ khai vì không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ cơ quan hải quan…

Hằng năm, công ty chỉ xuất 20.000 tấn gạo và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng, gây xáo trộn trong kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trường hợp DN không thể giao hàng như đã cam kết, khách hàng ngay lập tức sẽ chuyển sang mua gạo nước khác, điều này gây thiệt hại lớn cho DN.

“Chúng tôi tha thiết đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan kiểm tra và giám sát lại việc khai báo hải quan XK gạo. Vì hạn ngạch XK gạo có giới hạn 400.000 tấn nên DN rất mong muốn nhận được thông tin hướng dẫn công khai, minh bạch và chính xác với các tiêu chí được XK…”, đại diện Công ty TNHH Angimex-Kitoku viết trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.

Còn tại Long An, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, hầu hết các DN XK gạo trên địa bàn không biết thông tin nên không kịp khai tờ khai; có 7/24 DN XK gạo của tỉnh đã hoàn tất khai báo hải quan.

Tuy nhiên, số lượng khai báo chỉ được khoảng 8.500 tấn gạo, chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng ghi trong hợp đồng dự tính xuất trong tháng 4. Đặc biệt, các DN đã đóng container tại cảng nhưng vẫn không khai báo hải quan được do không biết thời gian mở cho khai hải quan.

Sở Công Thương Long An kiến nghị Bộ Công Thương: Trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính về công khai minh bạch trong thời gian khai hải quan, có văn bản triển khai thực hiện cụ thể để các DN họ nắm bắt thực hiện; Xem xét phân bổ tỷ lệ hạn ngạch cho DN theo thành tích XK 6 tháng trước đó của DN để mỗi DN đều có cơ hội XK trong tháng 5/2020 khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

VFA tiếp tục báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ 

Ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành về tình hình khai báo hải quan của 41 hội viên VFA là thương nhân XK gạo. 
Theo phản ánh của các thương nhân, việc đăng ký tờ khai đã bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày 12/4 mà không có một thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan về thời gian mở hệ thống cũng như không có một nhân sự nào tiếp nhận hay trực hệ thống ngay thời điểm nhạy cảm này, các thương nhân hoàn toàn bị động. 

Một số thương nhân đã gặp phải tình huống: các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4 đã có sổ tờ khai và đã phân vào luồng đỏ, nhưng đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4. VFA đã ghi nhận ít nhất 3 thương nhân gặp phải trường hợp như vậy. 

Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có sổ tự khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định. 

Ngoài ra còn có tình trạng DN chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ. Trong khi đó, có rất nhiều thương nhân đã tập kết hàng hóa sẵn sàng ở cảng chờ xếp tàu, đóng container, đã hơn 20 ngày container lưu bãi mà vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan…

Mở lối thoát cho doanh nghiệp

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc hàng trăm nghìn tấn gạo của DN ứ ở cảng hoặc đang khai dở tờ khai hải quan do lệnh tạm dừng trước đó, cần được xem xét thấu đáo, nhằm hạn chế thiệt hại, khó khăn cho DN trong bối cảnh dịch COVID-19. 

“Ở đây, các bộ cần làm việc với các DN, hiệp hội để thống nhất cách xử lý. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ quyết định phương án có lợi nhất cho đại cục, DN xuất khẩu đỡ thiệt hại, nông dân có lợi vì giá lúa gạo”, ông Tuấn nói. 

Theo các chuyên gia, nếu các DN Việt bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu giá cao lúc này sẽ “thiệt đơn thiệt kép”. Số liệu từ Hiệp Hội lương thực Việt Nam cho thấy, nếu tính ở thời điểm Việt Nam tạm dừng xuất khẩu là ngày 23/3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam lúc đó là 428-432 USD/tấn, còn giá gạo 5% tấm Thái Lan là 466-470 USD/tấn. 

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 20 ngày, gạo cùng chủng loại xuất khẩu của Việt Nam đã xấp xỉ 500 USD/tấn, và còn gạo Thái Lan đã tăng lên 570-574 USD/tấn. Như vậy, cứ mỗi tấn gạo xuất khẩu, DN có thêm 70 USD và Thái Lan cũng bỏ túi thêm 100 USD. 

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, vụ Đông Xuân vừa rồi, cả nước cũng có khoảng 5,5 triệu tấn gạo. Cả nước vẫn đủ 1,5 triệu tấn gạo cho tới cuối tháng 5, nên không quá lo về an ninh lương thực. 
“Đến cuối tháng 5 lại thu hoạch vụ Hè Thu sẽ có thêm 4 triệu tấn nữa, nên không việc gì phải để hạn ngạch tháng này 400 nghìn tấn, tháng sau 400 nghìn tấn để làm khó DN, các đối tác cũng không mua gạo Việt Nam nữa mà chạy sang Thái Lan để “năn nỉ” họ mua với giá cao”, GS Xuân phân tích. 

Theo GS Xuân, bài học ngừng xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn đó, Thái Lan đã tận dụng rất tốt để bán gạo với giá cao, trong khi Việt Nam ngưng xuất khẩu, đến khi cho xuất trở lại, thì giá đã xuống thấp. “Trong bối cảnh được giá cho nông dân, sao không tận dụng, mà ghìm lại, mà cứ để nông dân trồng lúa phải nghèo hoài mấy thập kỷ qua”, GS Xuân nói. (Phạm Anh)

MỚI - NÓNG