Thưa ông, trong các năm qua, có tình trạng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho thuê mặt bằng làm nhà hàng, tổ chức tiệc cưới. Vậy theo ông, tiệc cưới, bia hơi có nên tồn tại trong khuôn viên bảo tàng không?
Tình trạng khai thác mặt bằng làm dịch vụ trong khuôn viên các bảo tàng là câu chuyện đã có từ lâu nay. Theo Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 quy định về tổ chức và hoạt động của Bảo tàng, tại Điều 12 đã quy định các hoạt động dịch vụ của bảo tàng. Thông tư đã quy định “hoạt động dịch vụ của bảo tàng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng và quy định của pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân”.
Từ góc độ cá nhân, tôi khẳng định tiệc cưới, bia hơi trong bảo tàng thì không phù hợp. Vừa qua, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo rà soát để chấn chỉnh, tổ chức lại hoạt động dịch vụ của bảo tàng.
Quyết tâm của Bộ đến đâu để xử lý dứt điểm tình trạng này?
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo quyết liệt về việc rà soát hoạt động dịch vụ, chỉnh trang cảnh quan môi trường của khối bảo tàng thuộc Bộ. Theo đó, yêu cầu đơn vị rà soát và báo cáo Bộ việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê… trên cơ sở đó, đơn vị lập phương án sử dụng tài sản gắn với kinh doanh dịch vụ và chỉnh trang cảnh quan môi trường.
Dự kiến ngay trong tuần này lãnh đạo Bộ sẽ có buổi làm việc với các cơ quan chuyên môn và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở mà cho thuê, cơ sở xã hội hóa trong khuôn viên bảo tàng. Nguyên tắc là đảm bảo đúng chức năng nhiệm vụ, bố trí khu vực mua quà lưu niệm, sản phẩm phục vụ du lịch, phục vụ du khách là phải có. Phục vụ du khách có thể ăn uống nhẹ. Các điểm dừng chân cũng phải có nhưng phải quy hoạch lại để làm sao đảm bảo bảo tàng đúng là không gian văn hóa, một thiết chế văn hóa và phục vụ cho nhân dân, phục vụ khách du lịch.
Thực ra việc liên kết xã hội hóa mức độ phù hợp cũng là để phục vụ cho du khách. Bên cạnh đó bảo tàng cũng có được nguồn lực để chia sẻ với ngân sách nhà nước trong việc tổ chức quản lý bảo tàng. Bởi vì thực ra bảo tàng là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ một phần về kinh phí, cho nên cũng là một áp lực lớn với ban lãnh đạo từ lương, phúc lợi… liên quan đến của cán bộ bảo tàng. Nhưng tôi nghĩ rằng có nhiều cách có thể tạo được nguồn thu chính đáng thông qua công việc chuyên môn của mình. Câu chuyện cuối cùng là phù hợp.
Ví dụ ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có anh bảo vệ nhưng buổi chiều hết ca, có khách thì anh lại lên diễn vai đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân. Chị làm lao công, hành chính những khi có khách, ngoài giờ thì chị thay trang phục múa truyền thống phục vụ khách tham quan. Người lao động có thêm thu nhập và gắn bó với bảo tàng hơn.
Bộ cần thời gian bao lâu để sắp xếp lại kinh doanh dịch vụ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thưa ông?
Tôi nghĩ là rất quyết liệt, trong thời gian tới là phải có chuyển biến.
Nhân dịp này, Bộ có tiến hành rà soát, yêu cầu cơ quan quản lý các công trình văn hóa khác phải rà soát sắp xếp lại kinh doanh dịch vụ hay không?
Trước mắt chúng tôi tập trung làm ở những nơi do Bộ trực tiếp quản lý, còn với hệ thống thiết chế văn hóa do địa phương quản lý thì trách nhiệm thuộc về địa phương. Tôi nghĩ rằng khi Bộ đã làm thì các địa phương cũng có cân nhắc, xem xét.
Được biết Bộ đang chủ trương thu hút khách du lịch đến bảo tàng. Vậy khi nào thì hệ thống bảo tàng của Bộ quản lý kết nối được với các doanh nghiệp du lịch?
Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng thì sắp tới sẽ làm. Tôi ví dụ: Nhà hát Lớn bây giờ về cơ bản ban ngày thường đóng cửa thì vừa rồi chúng tôi đã yêu cầu các nhà hát phát huy nội lực trong ngành. Các nhà hát dựng những vở ngắn về nghệ thuật truyền thống để thu hút khách. Điều này cũng đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư là bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. Hiện nay Bộ đã mời Sở Du lịch Hà Nội làm việc, gặp gỡ rồi; thiết kế, đang dựng các vở diễn rồi và dự kiến trong năm nay có sản phẩm luôn. Sau khi tổng duyệt xong chúng tôi sẽ mời báo chí dự đúng tour đó, tham quan bờ hồ hoặc đi tuyến Văn Miếu, Bảo tàng Mỹ thuật, hồ Hoàn Kiếm, về Nhà hát Lớn. Trong khoảng 2 tháng tới sẽ có tour đầu tiên.
Cảm ơn ông.
Bộ VH-TT&DL yêu cầu Cục Di sản văn hoá báo cáo
Sáng 10/4, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã chủ trì buổi làm việc với Cục Di sản văn hoá và một số cơ quan chức năng bàn biện pháp khắc phục tình trạng nhiều diện tích của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia biến thành nhà hàng, tiệc cưới. Trao đổi với PV Tiền Phong tối ngày 10/4, bà Liên cho biết tại buổi làm việc đã yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ về quản lý, sắp xếp lại hệ thống nhà hàng, kinh doanh dịch vụ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Bà Liên khẳng định, lần này Bộ kiên quyết xử lý; yêu cầu Cục Di sản văn hoá rà lại toàn bộ các văn bản chỉ đạo xem đã làm được đến đâu. Với các hợp đồng kinh tế mà Bảo tàng ký với doanh nghiệp thì phải thông báo trước khi chấm dứt. “Tôi yêu cầu các Vụ, Cục chức năng phải làm đúng quy định; phải trực tiếp làm việc với bảo tàng để tháo gỡ, hướng dẫn bảo tàng làm cho đúng. Cục Di sản văn hoá là cơ quan trực tiếp quản lý Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì sẽ phối hợp chỉ đạo giải quyết tình trạng này”, bà Liên nói.
Tuấn Minh