Nhiều bảo tàng đua nhau mở nhà hàng

Kinh doanh cây cảnh, đồ gốm tại Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ảnh: T. Phong.
Kinh doanh cây cảnh, đồ gốm tại Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ảnh: T. Phong.
TP - Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều bảo tàng ở Hà Nội như Bảo tàng Phòng không - Không quân, Bảo tàng Phụ nữ... tận dụng diện tích, cơ sở vật chất trong khuôn viên cho thuê làm địa điểm kinh doanh.

Bán đồ gốm sứ, bán bia

Chiều 5/4, Bảo tàng Phòng không - Không quân (Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội) khá vắng vẻ. Giáp với cổng chính, một tòa nhà xây theo kiểu cũ được bao phủ bởi đống đồ gốm và cây cảnh. Trước cổng vào, một bảng thông báo nội dung về Bia lưu niệm sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, tòa nhà này lại được gắn tên cửa hàng Thanh Phương chuyên mua bán, trao đổi đồ gỗ.

Theo quan sát của phóng viên, tòa nhà có hai cửa kính được khóa kín, bên trong trưng bày nhiều đồ gốm, có cả một chiếc giường được dựng lên khá tạm bợ. Phía ngoài, nhiều chum, vại khá to được trưng bày cùng hàng trăm cây cảnh xếp bên hành lang, dọc theo lối đi vào phần trưng bày máy bay của bảo tàng. Một phụ nữ lớn tuổi là nhân viên tại đây cho biết ông bà chủ đã thuê cửa hàng này hàng chục năm nay....

Tình trạng các quán cà phê, quán ăn xuất hiện ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Ba Đình), Hoàng thành Thăng Long (Hoàng Diệu, Ba Đình)… Với vị trí đẹp, các hàng quán này đều thu hút đông thực khách. Một số quán còn tận dụng cả dịch vụ của bảo tàng để sử dụng, đơn cử như quán café Highland dưới chân cột cờ Hà Nội tận dụng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam làm nơi phục vụ khách.

Bảo tàng Phụ nữ (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm) có vị trí khá đẹp, nhưng nơi đây thay vì được trưng bày, triển lãm ảnh thì lại được xếp nhiều hàng bàn ghế phục vụ du khách uống cà phê. Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lại cho rằng: “Chúng tôi không hề cho thuê kinh doanh cà phê, hàng ăn. Tất cả đều là của bảo tàng. Cán bộ công nhân viên bảo tàng tự đứng ra làm, với mục tiêu cao nhất là phục vụ du khách đến với bảo tàng”.

Trong khi đó, đại diện một quán cà phê tại đây khẳng định đơn vị có ký hợp đồng trực tiếp với bảo tàng để mở quán.

Bộ VHTT&DL chấn chỉnh đến đâu?

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, một vị lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho biết: Bộ đã nắm được tình trạng này và từ 2 năm trở lại đây Bộ đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng nhiều bảo tàng cho thuê lại nhà đất mở dịch vụ nhà hàng. Bộ đã yêu cầu chấm dứt nhiều hợp đồng mà bảo tàng ký với đơn vị kinh doanh. Về quản lý nguồn thu từ dịch vụ nhà hàng, vị lãnh đạo cho rằng Bộ cũng có nắm được vì theo nguyên tắc các bảo tàng phải báo cáo lên Vụ Kế hoạch tài chính.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động cho hay: Thành phố chỉ quản lý Bảo tàng Hà Nội và 14 bảo tàng dân lập. Bảo tàng lịch sử quốc gia do Bộ VHTT quản lý. Theo quy định của nhà nước trong các thiết chế văn hoá như bảo tàng thì cho phép mở dịch vụ phục vụ du khách tham quan như quầy bán đồ lưu niệm, căng tin phục vụ đồ ăn uống nhẹ nhàng. Trong trường hợp bảo tàng mở dịch vụ thì cần quản lý xem là dịch vụ gì và mức độ giới hạn đến đâu chứ không phải cho bán hàng ăn uống tùm lum trong bảo tàng. Phải đảm bảo dịch vụ văn minh, giữ gìn không gian văn hoá. Báo chí cần lên tiếng về tình trạng này vì bây giờ đang có tình trạng tận thu…

Chiều 5/4, phóng viên Tiền Phong quay lại Bảo tàng Lịch sử quốc gia số 25 Tông Đản. Trung tâm tiệc cưới Thúy Cải vẫn hoạt động bình thường. Dưới cổng vẫn ghi tiệc cưới tổ chức ngày 5/4. Gọi điện vào số máy của Trung tâm tiệc cưới Thuý Cải, người ở đầu dây cho biết, trung tâm vẫn nhận đặt tiệc ở cả 2 cơ sở: phố Yết Kiêu và ở Bảo tàng lịch sử. “Tháng 4, tháng 5/2017 đều vẫn nhận khách bình thường, không có vấn đề gì. Khách hàng có thể trực tiếp qua xem địa điểm và đặt chỗ bất cứ lúc nào”, người này nói. Quán bia Lan Chín ở địa điểm giáp phố Tràng Tiền vẫn tấp nập người vào ra. 

MỚI - NÓNG