Kiếp nạn ở xứ người

Kiếp nạn ở xứ người
TP - Bảy doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) đẩy 42 lao động nghèo lâm cảnh khốn cùng ở nước ngoài: không có công ăn việc làm, bị môi giới nước ngoài bán đi bán lại nhiều lần, phải sống trong lều lán tạm bợ, nhặt bánh mỳ trong thùng rác ăn vì đói... Thân phận của họ chẳng khác nào nô lệ.

Trước khi sang Ả-rập Xê-út, mỗi lao động phải đóng khoảng 40 triệu đồng cho các doanh nghiệp với hy vọng sẽ có việc làm đúng với hợp đồng đã ký nhưng lại phải đi cọ xỉ container, vác gỗ, khiêng tôn, phụ thợ mộc, phụ thợ điện, nhặt rác.

Kiếp nạn ở xứ người ảnh 1

Bị mua đi, bán lại

Gần 5 tháng sống và làm việc ở Ả-rập Xê-út có lẽ là quãng thời gian khốn khổ nhất đối với Mạc Văn Anh (36 tuổi, quê Hải Dương).

7 doanh nghiệp XKLĐ đưa 42 lao động sang Ả-rập Xê-út

Cty TNHH một thành viên Dịch vụ và Thương mại VCCI - TSC có 11 lao động; Cty Nhân lực và Thương mại Quốc tế - INTRACO (thuộc Tổng Cty Vận tải thủy, Bộ GT-VT) có 13 lao động; Cty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát có 5 lao động; Cty TNHH một thành viên Vạn Hoa Hải Phòng - HAVICO có 4 lao động; Cty Nhân lực Toàn cầu - Gmas có 4 lao động; Cty Vật tư công nghiệp Quốc phòng - GAET có 4 lao động; Cty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Bà Rịa Vũng Tàu - GETRACO có 1 lao động.

Anh ký hợp đồng với Cty TNHH một thành viên Dịch vụ và Thương mại VCCI - TSC (Cty TSC) sang Ả-rập Xê-út làm đốc công lái xe với mức lương 500 USD/tháng. Trước khi xuất cảnh, Anh đã đóng cho Cty TSC hơn 2.000 USD và được học ngoại ngữ, giáo dục định hướng trong một tháng. Sau khi xuất cảnh, Anh cũng như các lao động khác, được Cty TSC chuyển cho Cty Nuzha.

Theo Văn Anh, khoảng thời gian ở Cty Nuzha, anh không được lái xe một ngày nào, suốt ngày chỉ ngồi chơi ngóng việc. Nuzha không phải là Cty trực tiếp sử dụng lao động mà chỉ là một Cty du lịch chuyên môi giới mua bán lao động. Được ít ngày, Cty Nuzha bán Anh cho một Cty chuyên sản xuất hạt nhựa.

Tại Cty này, Anh cũng không được lái xe mà chủ yếu phải đi nhặt hạt nhựa; thi thoảng, mới được chủ sai lái xe đưa công nhân đi gửi tiền. "Làm ở Cty sản xuất hạt nhựa được hơn một tháng, tôi vẫn chưa được chủ trả lương. Mỗi khi hỏi lương đều bị chủ hứa lần này đến lần khác. Sau đó, tôi lại bị bán cho một Cty khác có tên là Al-Wael" - Anh kể.

Tại Cty Al-Wael, Anh được giao làm đủ thứ việc. Từ cọ xỉ, vác gỗ, khiêng tôn đến phụ thợ mộc, thợ điện. Hết những việc đó, Anh lại bị chủ sai đi nhặt rác.

Chung số phận với Anh còn có Nguyễn Quý Bình (Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh) cũng do Cty TSC đưa đi và Nguyễn Văn Khánh (Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Trương Minh Tuấn (Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An) do Cty Nhân lực Toàn cầu (Cty Gmas) đưa đi. Cả ba đều là nạn nhân khi bị Cty môi giới Nuzha bán đi bán lại nhiều lần cho nhiều Cty.

"Mặc dù làm không đúng ngành nghề nhưng bọn tôi vẫn cố gắng để mong chủ trả lương. Nhưng khi hỏi đến lương, chủ bảo sau ba tháng mới được lấy. Đến khi hết ba tháng, chủ lại bắt phải thử việc 6 tháng đến một năm và cho biết chỉ đến khi có bằng lái xe do nước sở tại cấp mới trả lương" - Khánh cho biết. Biết bị lừa, cả bốn lao động xin nghỉ việc. Thời gian nghỉ việc là quãng đời khốn khổ khi không một đồng xu dính túi.

Ăn ở vạ vật

Đến nay, sau hơn 5 tháng về nước, anh Vũ Văn Chí (quê Vụ Bản, Nam Định) cùng với 13 lao động khác do Cty Nhân lực và Thương mại Quốc tế - Intraco (thuộc Tổng Cty Vận tải thủy, Bộ GT-VT) đưa đi làm nghề hàn bậc cao (3G và 6G) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại những tháng ngày bị đày ải ở Ả-rập Xê-út. Anh Chí cho biết, 42 lao động đều bị 7 Cty XKLĐ Việt Nam bàn giao cho Cty môi giới Nuzha khi sang đến Ả-rập Xê-út.

Theo anh Chí, cả 42 lao động sau đó đều trở thành nạn nhân của Cty Nuzha. Không chỉ bị bán đi bán lại nhiều lần, cả 42 lao động đều phải chung cảnh ăn ở vạ vật. "Phòng chúng tôi giống như một cái công-ten-nơ. Phía trên lợp bằng tôn. Xung quanh là sắt. Hàng chục người bị nhồi nhét ở cùng một phòng trong khi chỉ có một chiếc quạt thông gió. Mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, vệ sinh... đều bó gọn trong một cái hộp chật chội khi trời nóng như thiêu đốt" - anh Chí nhớ lại.

Thay vì được làm thợ hàn, anh Chí cùng với nhiều lao động khác cũng bị chủ bắt đi nhặt rác, cọ xỉ, phụ hồ... "Làm việc quần quật nhiều tháng trời nhưng không được trả lương, đói quá, anh em phải đi nhặt từng mẩu bánh mỳ trong thùng rác để ăn" - Lưu Văn Sâm (Hưng Hà, Thái Bình) nhớ lại.

Nhiều lao động cho biết, nói là được 7 Cty đưa đi nhưng thực chất đơn hàng cung cấp 42 lao động là do Cty TSC ký kết với Cty môi giới Nuzha. Sau khi có đơn hàng từ Cty Nuzha, Cty TSC chia đơn hàng cho 6 Cty còn lại khai thác và cung cấp lao động.

Theo hợp đồng ký kết với các Cty, 42 lao động được đưa sang Ả-rập Xê-út để làm các nghề: lái xe, thợ hàn, thợ xây. Họ xuất cảnh ba đợt (ngày 7-4, 13-4 và 3-5-2010) nhưng phải về nước sớm vì những gì họ trải qua ở Ả-rập Xê-út khác xa với trong hợp đồng đã ký.

Sau những tháng ngày bị đọa đày ở Ả-rập Xê-út, 42 lao động nhiều lần viết bản tường trình gửi về cho lãnh đạo các Cty, nhưng không được giải quyết. Đường cùng, họ đã nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út can thiệp để có tiền mua vé máy bay về nước.

Trước hoàn cảnh của 42 lao động (không quần áo, giày dép, không đồng xu dính túi...), thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, ngày 19-8-2010, Tham tán Nguyễn Phúc Kiên đã ký xác nhận: "Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út xác nhận đơn trình bày của 42 lao động nêu trên là đúng sự thật. Kính chuyển các cơ quan xem xét, giải quyết".

Mặc dù vậy, nhưng đến nay, sau nhiều tháng về nước, nhiều lao động vẫn chưa được các Cty giải quyết các chế độ khi họ bị các Cty vi phạm hợp đồng. Trong khi đó, các lao động cho biết, khi làm việc với lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), lấy lý do đơn hàng của Cty TSC Cục không thẩm định nên không có trách nhiệm giải quyết.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG