'Kiềng ba chân' của Jang Kều

0:00 / 0:00
0:00
TP - Suốt 9 năm qua, Jang Kều – tên thật là Phạm Thị Hương Giang (43 tuổi, người sáng lập Quỹ Sống) cùng các cộng sự của mình không ngừng nỗ lực với các hoạt động vì cộng đồng, như những chú ong bền bỉ trong hành trình xây dựng một xã hội sống xanh, bền vững trước biến đổi khí hậu (BĐKH) và thảm họa từ thiên nhiên.

Ba chân kiềng mà chị nói đến đó là chương trình hành động Nhà chống lũ, Hạnh phúc xanh và River ơi tương ứng với các mục tiêu cộng đồng bền vững - môi trường bền vững - con người bền vững.

“Không phải xin - cho mà chúng tôi chung tay”

Năm 2013 chương trình Nhà chống lũ chính thức ra mắt. Đến nay, sau 9 năm triển khai, Giang cùng team của mình đã hoàn thành hơn 1.000 ngôi nhà cho người dân vùng thiên tai khắp các vùng Bắc, Trung, Nam. Con số không khiến người ta ấn tượng nhưng cách mà chủ nhân của chương trình làm khiến người nhận ấm lòng và tự tin. Bởi, dù hỗ trợ cả tài chính (50%), hỗ trợ thiết kế, giám sát xây sao cho an toàn, tiết kiệm và có thể mở rộng công năng tương lai nhưng khi bàn giao, ngôi nhà không gắn các biển hiệu trao tặng như những nhà tình thương. Nguyên tắc “vốn đối ứng” của người dân là không có ngoại lệ nhằm tạo trách nhiệm và để người dân tự tin, tự hào về thành quả mình nỗ lực.

'Kiềng ba chân' của Jang Kều ảnh 1

Chị Giang tại làng Hạnh Phúc Lâng Loan

“Chúng tôi không xây nhà cho họ mà là thúc đẩy người dân tự làm cho mình một ngôi nhà an toàn bằng năng lực, nỗ lực, khả năng của họ. Khi tự xây được ngôi nhà của mình họ cảm thấy tự tin, tự trọng, tự tôn, tự hào và tự thay đổi cuộc đời của mình. Đó mới là điều quan trọng” - chị chia sẻ.

Gọi là Nhà chống lũ nhưng không phải là chống lại, mà thích ứng sống cùng với lũ và an toàn với lũ. Và còn có ý nghĩa sâu xa hơn, không chỉ chống trận lũ vật chất mà chống cả cơn lũ về tinh thần đó sự ì ạch, bi quan, không hy vọng vào tương lai thì bây giờ họ đã thay đổi. “Nhà chống lũ biến tất cả mỗi chúng ta đều trở thành những con người đi chống lũ, lũ về vật chất hay lối sống tư duy, điều xấu xa trong xã hội” - Thủ lĩnh chương trình này nói.

'Kiềng ba chân' của Jang Kều ảnh 2

Vui cùng Làng Hạnh Phúc Lâng Loan

Ngôi nhà không chỉ là phương tiện, quan trọng là làm sao cho mỗi hộ gia đình, mỗi cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và BĐKH họ sống thích ứng và tự tin trong điều kiện đó. Họ không phải đi đến một vùng khác, bởi mỗi người khi phải rời xa quê hương bản quán, làng quê của mình thì lúc đó họ đã mất đi giá trị tinh thần đó là sự gắn kết của họ với quê hương.

Câu chuyện thực tế của nhiều ngôi làng tái định cư ở các huyện miền núi trong đó có Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam) mà chị từng đến, đó là khi xây xong, bàn giao nhà nhưng người dân vẫn không ở mà trở về làng cũ khiến chị trăn trở.

Câu chuyện vỡ ra khi cùng sống, chuyện trò sẻ chia để thấu hiểu điều mà người dân cần. Đó là sự liên kết, gắn bó với cộng đồng, làng quê bản quán, tự hào với giá trị văn hóa của mỗi vùng đất. Họ không chỉ cần một ngôi nhà để nương thân mà hơn thế họ cần giá trị văn hóa, tập quán bao đời.

Từ đó, chương trình Làng hạnh phúc ra đời, giải quyết vấn đề liên quan đến con người - môi trường - văn hóa.

Nhớ lại chuyến đi đến nóc Lâng Loan, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam hồi tháng 6/2020, để thực hiện chương trình Làng hạnh phúc là những kỷ niệm đáng nhớ của nhóm. Ngôi làng nằm sâu trong dãy Trường Sơn, đường đi lầy lội và hiểm trở. Cả nóc có hơn 70 hộ dân được chính quyền vận động rời làng cũ để đến ngôi làng mới tránh hiểm họa sạt lở. Đi cùng với chị là những cộng sự, trong đó có chuyên gia, kỹ sư. Nhiều vấn đề được vạch ra thực hiện sau khi khảo sát, tuy nhiên phải mất một năm rưỡi để có thể thuyết phục người dân cùng đồng thuận triển khai.

Cho đến khi mình thực sự hiểu cái mà người dân đang thiếu, đang cần đang trăn trở đó chính là văn hóa bị lãng quên, ngôi nhà cộng đồng biến mất, họ không còn nơi để chia sẻ với nhau những làn điệu truyền thống, giá trị đời sống văn hóa tinh thần. Từ đó nhóm điều chỉnh kế hoạch, đưa nhà cộng đồng vào danh mục phục hồi. Ngày ngôi nhà cộng đồng được hoàn thành, máng nước được khiêng về gặp nụ cười rạng rỡ trên môi già làng và dân bản thì sợi dây kết nối mới được tạo nên. “Dân bản lúc đó thực sự được tin tưởng, phát cho mỗi người một xâu thịt, xem như thành viên trong làng” - chị nhớ lại.

Khởi tạo và lan tỏa

Các thành viên của Sống Foundation đều tâm niệm rằng, con người từ xưa sinh ra đã có sự kết nối với Mẹ thiên nhiên, nhưng qua thời gian chính con người tự ngắt kết nối. Chính vì sự ngắt kết nối đó gây nên lũ lụt, có thiên tai, bệnh dịch…

Chương trình Hạnh phúc xanh mong muốn nâng cao xây dựng sự tái kết nối giữa con người và thiên nhiên thông qua việc tăng các mảng xanh. Tái kết nối hình thành khi cùng nhau trồng cây, trồng rừng, tạo những mảng xanh đô thị. Những chương trình Trồng rừng giữ nước (ở Ninh Thuận), Trồng rừng giữ đất (ở Sóc Trăng) cũng lần lượt ra đời tạo nên những làn sóng hưởng ứng tích cực.

'Kiềng ba chân' của Jang Kều ảnh 3

Chị Jang tại làng Nam Trà My

Điểm nhanh một số kết quả đạt được như xây dựng hơn 1.000 nhà chống lũ, 2 công viên, trồng 18,5 héc ta rừng tại Sóc Trăng; Ninh Thuận hơn 80 héc ta rừng…

Chị cười khi tôi quan tâm đến những con số, và lý giải mỗi năm có 5 - 7 nghìn căn nhà bị thổi bay, thậm chí chục nghìn căn nhà biến mất. Vậy con số hơn 1 nghìn nhà chống lũ thấm tháp vào đâu?! Không thể chạy đua đạt con số, mà phải làm sao cả xã hội cùng thức tỉnh, nhận thức được để cùng chung tay xây dựng.

Dẫn chứng câu chuyện thực tế ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, Chương trình Nhà chống lũ đã giúp xây được 99 căn nhà phao sau 3 đợt. Tuy nhiên, khi đã có những mô hình, và cách mình liên tục hướng dẫn, thúc đẩy người dân, người ta tự lan tỏa, đến nay toàn bộ gần 600 hộ gia đình đều có nhà phao, họ tự làm bằng những nguồn hỗ trợ khác.

Từ Nhà chống lũ đến Hạnh phúc xanh và River ơi đều mong đạt đến một mục tiêu cao nhất là thay đổi trong nhận thức, nhân sinh quan của cộng đồng để cùng chung tay và lan tỏa.

“Sống Foudation là quỹ của cộng đồng hành động vì cộng đồng, không phải là một tổ chức từ thiện, không có cho - nhận mà tất cả là sự chung tay, nỗ lực, kiên nhẫn để thay đổi nhận thức của từng hộ dân, cộng đồng, chính quyền địa phương. Tất cả cùng nhận thức và chung tay tạo ra những thay đổi từng vùng, miền làm sao để an toàn, để cuộc sống người dân bền vững và hạnh phúc hơn. Chỉ khi cộng đồng đủ hiểu và hành động thì cuộc sống mới tốt hơn” - chị nói.

Cuộc sống bận rộn, di chuyển như con thoi khắp nơi nhưng Jang Kều vẫn luôn giữ cho mình thói quen và cũng là sở thích trồng cây. “Khi mình trồng một cái cây, chạm tay vào đất, nước đã là sự kết nối, kết nối với chính mình, với thiên nhiên và với những người cùng tư tưởng. Trồng cây rồi ngắm những khoảng xanh ngắt mình tạo ra giúp tôi sức mạnh, nguồn năng lượng mới” – chị Giang bộc bạch.

MỚI - NÓNG
Vụ ‘tòa nhà đẹp nhất Cà Mau’: Bổ sung hình phạt nếu không sẽ thu hồi đất
Vụ ‘tòa nhà đẹp nhất Cà Mau’: Bổ sung hình phạt nếu không sẽ thu hồi đất
TPO - Liên quan đến việc xử lý 'tòa nhà đẹp nhất Cà Mau' xây không phép trên đất nuôi trồng thủy sản, Sở Tư pháp đề nghị cần buộc ông Tập nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm - xây trên đất thủy sản. Nếu ông Tập không thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ các biện pháp khắc phục hậu quả phải thu hồi đất.
Tuấn Hưng lại bị lơ đẹp
Tuấn Hưng lại bị lơ đẹp
TPO - Ở tập mới nhất, các anh tài bước vào vòng đấu quyết định. Họ trình diễn sáng tác mới của chính mình trên nền nhạc và tiết tấu do ban tổ chức cung cấp. Cả hai đội đều tung toàn bộ thành viên cho tiết mục thể hiện tinh hoa vào trận này. May mà lần này 350 khán giả của trường quay Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) cho thấy sự sáng suốt…