Kiến nghị tăng trợ giá tuyến buýt điện đầu tiên ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở GTVT vừa đề xuất UBND TPHCM tăng trợ giá từ 44,1% lên 64,8% cho tuyến buýt điện đầu tiên ở TPHCM.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất tháo gỡ khó khăn tuyến xe buýt điện trên địa bàn thành phố.

Theo Sở GTVT, tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng năng lượng điện thí điểm đầu tiên đưa vào hoạt động từ ngày 9/3/2022.

Tuyến buýt điện này có cự ly 28,95 km, gồm 12 xe 67 chỗ hoạt động với 108 chuyến/ngày. Giá vé (có trợ giá) là 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/lượt với nhóm khách còn lại, vé tập bán trước có giá 157.500 đồng/tập 30 vé.

Sở GTVT TPHCM cho biết, đến nay, với tuyến buýt điện D4, sản lượng hành khách bình quân thực hiện năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và 6 tháng đầu năm 2023 bình quân đạt 27,6 hành khách/chuyến. Khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt D4 liên tục tăng từ khi đưa tuyến vào hoạt động (tháng 3 năm 2022) từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến tăng lên bình quân 28,7 hành khách/chuyến (tháng 6 năm 2023). Doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng từ 80,9 nghìn đồng/chuyến lên mức 154 nghìn đồng/chuyến. Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG).

Kiến nghị tăng trợ giá tuyến buýt điện đầu tiên ở TPHCM ảnh 1

Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP tăng trợ giá từ 44,1% lên 64,8% cho tuyến buýt điện đầu tiên ở TPHCM.

Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, UBND TP đã chấp thuận chủ trương tổ chức 5 tuyến xe buýt điện (trong đó có tuyến D4) từ tháng 3/2022, thời gian thí điểm là 24 tháng kể từ khi các tuyến xe buýt điện bắt đầu hoạt động, tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%.

Tỷ lệ này được xây dựng trên cơ sở thống kê tỷ lệ trợ giá bình quân trong 10 năm (từ năm 2009 – 2019) của hệ thống xe buýt có trợ giá.

Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thì giai đoạn từ năm 2020-2023 tỷ lệ trợ giá/chi phí bình quân toàn hệ thống là 63,7%. Cụ thể năm 2020 là 59,7%, năm 2021 là 58,3% (chưa điều chỉnh mức lương nhân công) và năm 2022 là 68,5% và năm 2023 là 64,8%.

Như vậy, có thể thấy tỷ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống.

Với tỷ lệ trợ giá chi phí là 44,1% thì mức trợ giá của tuyến là 309.800 đồng/chuyến (chi phí là 702.496 đồng), phần doanh thu phải đảm bảo 55,9% chi phí là 392.696 đồng/chuyến (tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến).

Qua đánh giá sản lượng thực hiện trên tuyến thì với mức sản lượng thực hiện năm 2022 là 22,5 hành khách/chuyến chỉ đạt 31,8% so với sản lượng, doanh thu tính trợ giá và với mức thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 đạt 27,6 hành khách/chuyến, chỉ đạt 38,9% so với sản lượng, doanh thu tính trợ giá.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn và khuyến khích đơn vị vận tải tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh, Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức 5 tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tăng tỷ lệ trợ giá lên 64,8%, thời gian thực hiện thí điểm từ 1/1/2023 đến ngày 31/12/2025.

Trường hợp, UBND TP ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong thời gian thí điểm thì áp dụng theo mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá loại hình xe buýt điện được ban hành trong thời gian thí điểm còn lại.

Trường hợp đơn giá mới được ban hành thấp hơn đơn giá đang tạm áp dụng thì thực hiện thu hồi phần kinh phí trợ giá chênh lệch trong thời gian từ 1/1/2023 đến khi UBND TPHCM ban hành đơn giá mới. Trường hợp đơn giá mới cao hơn đơn giá đang tạm áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến khi ban hành đơn giá mới, thực hiện theo đơn giá tạm trong thời gian thí điểm.

Đồng thời, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP cho phép tiếp tục áp dụng phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn TPHCM đối với 5 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm.

MỚI - NÓNG