Khu trung tâm hành chính Ia Pa khát nước sạch

Thầy Ksor Ber chỉ bể nước đang khô cạn của trường
Thầy Ksor Ber chỉ bể nước đang khô cạn của trường
TP - Khu Trung tâm hành chính huyện Ia Pa, Gia Lai sau hơn 7 năm thành lập đến nay vẫn thiếu thốn nhiều thứ: Không chợ, không bến xe, không thị trấn, đặc biệt nước sinh hoạt thiếu trầm trọng.

> Đa số dân ngoại thành Hà Nội chưa được dùng nước sạch

Thầy Ksor Ber chỉ bể nước đang khô cạn của trường
Thầy Ksor Ber chỉ bể nước đang khô cạn của trường.

Đầu tháng 5, Ia Pa bước vào cao điểm mùa nắng nóng. Khu trung tâm hành chính huyện nằm chơ lơ trên đồi trọc, ít bóng cây xanh khiến không khí càng oi bức. Huyện Ia Pa chia tách từ Ayunpa từ tháng 4-2004, song đến nay khu trung tâm hành chính vẫn chưa thu hút được người dân an cư lập nghiệp, đã hơn 7 năm, cả trung tâm hành chính huyện mới có chừng chục hộ dân.

Cán bộ nhân viên của huyện đa số sáng đi làm chiều về lại thị xã Auynpa, số khác ở lại các khu nhà tập thể. Một nguyên nhân quan trọng khiến người dân chưa mặn mà với vùng đất này là đồi cao, đào giếng khó khăn mà hệ thống bơm nước sinh hoạt của huyện từ khi tạm đưa vào hoạt động tháng 6-2010 đến nay thường trục trặc.

Chúng tôi đến thăm Trường trung học dân tộc nội trú Ia Pa, nơi có 150 học sinh và hàng chục giáo viên thường xuyên cư trú.

Thầy Ksor Ber-hiệu trưởng, cho biết: Từ khi thành lập trường tháng 6-2006, nước sinh hoạt cho học sinh là vấn đề đau đầu nhất của trường. Cơ sở vật chất trường khá khang trang, song mùa khô nhiều khu vực phải đóng cửa do thiếu nước như các nhà vệ sinh, vườn thực nghiệm sinh học, khu vực trồng rau xanh…

Không có nước sinh hoạt, gần 200 cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh trường này, đại tiện tiểu tiện loanh quanh đâu đó, vào nhà vệ sinh không có nước dội. Tắm giặt mùa mưa thì ra suối, mùa nắng giáo viên đưa từng tốp ra sông Ba cách đấy cả cây số rồi ngồi canh chừng các em tắm giặt.

Học sinh phải góp tiền để mua nước đóng bình uống. Không riêng gì trường nội trú, hầu hết các cơ quan hành chính trong huyện cũng đều dùng nước đóng bình uống, khá tốn kém.

Thầy Ksor Ber bảo, gần đây theo lịch cấp nước, mỗi tuần trường được bơm nước vào ngày thứ 3, 5, 6 song có ngày bơm được một giờ, ngày vài giờ, nhiều ngày không có nước nên bể chứa của trường thường xuyên không đủ lượng nước sinh hoạt, mọi việc vẫn không tốt hơn. Việc các em học sinh THCS của trường ra sông, suối tắm giặt, vệ sinh luôn gây lo ngại cho ban giám hiệu và giáo viên quản lý bởi rủi ro cao.

Ông Cường - Trưởng Ban quản lý dự án huyện Ia Pa, đơn vị chủ đầu tư Nhà máy cấp nước sinh hoạt Ia Pa cho biết, từ năm 2007, huyện đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước công suất 1000m3/ngày đêm. Công trình do Công ty Cổ phần Tư vấn, thiết kế, xây dựng Gia Lai khảo sát thiết kế, Cty CP Vật liệu và Xây lắp Gia Lai thi công, trị giá 7,1 tỷ đồng.

Theo thiết kế Trạm bơm cấp I bể thu 150m3 đặt âm hơn 4m dưới lòng sông, đầu thu đặt âm 1m so với đáy sông Ba. Mùa mưa lũ phù sa thường xuyên bồi lắng ở bể thu là một trong những nguyên nhân gây trục trặc.

Từ khu vực đặt máy bơm đến khu xử lý nước cao 120m, tuyến đường ống phi 165-168mm chịu áp lực lớn thường bị vỡ các mối nối. Động cơ máy bơm đặt âm dưới mặt đất 14 m thường thiếu bảo dưỡng vận hành nên hay bị cháy. Huyện đã giao nhà máy này cho Đội giao thông công chánh quản lý.

Trước vấn đề bức xúc về nguồn nước khu trung tâm hành chính Ia Pa, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ông Phạm Thế Dũng đã về chủ trì hội nghị tìm hướng giải quyết. Sở Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị tìm giải pháp khắc phục.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.