Trưa 2/2 (23 tháng Chạp), ông Hải Bình (53 tuổi), tiểu thương chuyên doanh đồ trang trí Tết, bận rộn sắp xếp hàng hóa, hứng khởi chào mời khách mua hàng.
Tuyến phố chuyên doanh đồ trang trí trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) đông nghịt người ngày cận Tết (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Ông Bình chuyên cung cấp các mặt hàng trang trí cho các dịp lễ lớn và có hơn 30 năm kinh doanh trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM). Theo ông Bình, dịp Tết năm nay, doanh thu cửa hàng giảm khoảng 20% so với những năm trước giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, lượng khách dịp cuối năm vẫn tăng "khủng" so với ngày thường.
Năm nay, những mặt hàng có mẫu mã mới đều đã được thương lái đặt mua từ 1 tháng trước Tết. Thời điểm này, ông Bình chỉ bày những hàng hóa còn trong kho ra để bán cho khách vãng lai.
Ông Bình cho hay những đơn hàng trị giá 500-600 triệu đồng trong đợt Tết này là chuyện bình thường (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, nhưng may mắn là cửa hàng của tôi vẫn ăn nên làm ra. Tết là dịp lễ lớn, người dân quả thực là có thắt chặt chi tiêu nhưng họ vẫn sắm sửa đồ trang hoàng nhà cửa.
Trước đó thương lái từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đã đến đặt hàng rồi, mỗi ngày có vài đơn trị giá 500-600 triệu đồng là chuyện bình thường", ông Bình cười, nói.
Theo ông Bình, năm nay giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển tăng cao. Do vậy, dù có được doanh thu "khủng" dịp Tết nhưng phần trăm lợi nhuận không còn nhiều như trước.
"Mọi thứ đều tăng giá nhưng tôi chỉ tăng giá bán lên chút ít để giữ chân khách hàng. Tôi chọn lãi ít lại, chủ yếu nhờ vào số lượng bán nhiều", ông Bình chia sẻ.
Trên tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, nhiều cửa hàng chuyên doanh đồ trang trí Tết đông nghịt người qua lại. Thế nhưng, cũng có không ít nơi rơi vào cảnh vắng khách, người bán nhiều hơn người mua.
Nhiều người lựa chọn mua những món trang trí có giá rẻ, mẫu mã phổ biến để dễ dùng lại cho Tết năm sau (Ảnh: Nguyễn Vy). |
"Những cửa hàng lớn, hoạt động lâu năm thì có thể trụ được vì họ có mối sỉ, năm nào cũng ổn định đơn hàng. Những cửa hàng nhỏ thì gặp khó khăn hơn vì lượng khách vãng lai ít lắm, cả ngày chúng tôi cũng chỉ bán được 200.000-300.000 đồng", anh Thanh, nhân viên tại cửa hàng chuyên doanh đồ trang trí, cho biết.
Cách đó không xa, anh Thành (35 tuổi), tiểu thương tại khu phố, cũng rầu rĩ khi doanh thu của cửa hàng giảm đến 70%. Theo anh Thành, cửa hàng anh có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh với những cửa hàng lớn lân cận nên giờ chỉ hoạt động theo kiểu cầm chừng.
Chị Minh Vy (45 tuổi), chủ cửa hàng tạp hóa tại tỉnh An Giang, chia sẻ rằng cứ vào tháng 12 hằng năm, chị đều đi từ quê lên TPHCM, chi 30-40 triệu đồng để mua các mặt hàng trang trí về bán Tết. Năm nay, do nhận thấy tình hình kinh tế khó khăn, chị cũng chủ động nhập hàng ít hơn 50% so với mọi năm.
Một số cửa hàng rơi vào cảnh ế khách, tiểu thương ngồi ngóng người mua (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Chị Vy cho hay năm qua doanh thu của cửa hàng sụt giảm khiến chị không có nhiều vốn để sắm thêm hàng trang trí Tết để bán. Vì thế, chị chỉ mua một số mặt hàng nổi bật như bao lì xì, liễn treo Tết giá rẻ để phục vụ khách hàng tại quê nhà.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vào các ngày cận Tết Nguyên đán, tuyến phố Hải Thượng Lãn Ông lại được dịp "đỏ rực". Dọc tuyến đường, khách hàng ra vào liên tục, nhưng ai nấy cũng chỉ sắm sửa một vài món, không còn cảnh chen lấn, mua số lượng lớn như trước đây. Nhiều khách nước ngoài cũng lui tới tuyến phố này nhưng chủ yếu là để chụp ảnh, tham quan.
Link gốc: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/khu-pho-do-nhat-tphcm-tieu-thuong-chot-don-500-trieu-la-chuyen-thuong-20240202143913674.htm?