Từ thành phố sông đến thành phố cầu
Năm 1921, KTS Ernest Hébrard lần đầu tiên tới Việt Nam để lập quy hoạch Đà Lạt và bắt đầu nghiên cứu thực địa Hà Nội. Năm 1923, ông được bổ nhiệm Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương và công bố sơ đồ Quy hoạch không gian Hà Nội.
Mặc dù cầu Long Biên đã vượt qua sông Hồng 20 năm, nhưng sơ đồ Quy hoạch Hà Nội vẫn chỉ tập trung phát triển phía Nam sông, còn bờ Bắc vẫn là chốn xa xôi. Nguyên nhân là sông Hồng hiền hòa mùa cạn nhưng trở nên mạnh mẽ vào mùa lũ, vượt quá khả năng ứng phó với thực trạng kinh tế xã hội lúc đó.
Trận lũ lớn năm 1926 đã uy hiếp trực tiếp đến nội thành, chỉ khi vỡ đê Lâm Du mới giảm nguy cơ. Kể từ đó đê bao quanh Hà Nội mới được đắp cao dần, tạo thành bức tường ngăn cách giữa phố phường với bờ sông.
Năm 1995, Hà Nội công bố bản sơ đồ định hướng không gian đến 2010, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, 3 năm trước đó, dù đã có đập thủy điện sông Đà tham gia điều tiết, nhưng cơn lũ lớn từ thượng nguồn đổ về Hà Nội vẫn ám ảnh. Vậy là Hà Nội đã có thêm cầu Thăng Long và Chương Dương, song viễn cảnh thành phố vẫn chỉ quanh quẩn bên bờ Nam.
Giai đoạn 1995-1998, các nhà đầu tư nước ngoài đã chắp cánh ước mơ thành phố đôi bờ. Chỉ riêng đề xuất xây dựng thành phố mới Bắc sông Hồng của Daewoo đã có quy mô lớn hơn nội thành Hà Nội xây dựng trong suốt 100 năm.
Để kết nối đôi bờ, quy hoạch Hà Nội đã vẽ thêm 6 cây cầu mới. Những năm tiếp theo, tầm nhìn về viễn cảnh Hà Nội 2030 còn được tăng tốc: Địa giới hành chính tăng gấp 3 lần và hình hài 15 cây cầu kết nối đã xuất hiện trong bản quy hoạch mới.
Nguy cơ nghèo dinh dưỡng, thiếu không gian
Đầu thiên niên kỷ thứ 2, Hà Nội đã có thêm cầu Thanh Trì (2005), Vĩnh Tuy (2010) và Nhật Tân (2015). Đôi bờ đã trở nên gần gũi với hàng loạt bất động sản hình thành.
Nhưng Hà Nội cũng đối mặt với tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm sông hồ, rác thải, ô nhiễm không khí… Và quan trọng hơn cả là sông Hồng đang dần bị thu hẹp không gian trữ nước sạch do bị lấn chiếm, nguồn nước suy giảm về khối lượng cũng như chất lượng.
Thống kê thủy văn cho thấy lưu lượng nước sông đang giảm dần. Những đập thượng nguồn (kể cả sông Đà) đã ngăn nguồn phù sa về hạ lưu sông Hồng. Ô nhiễm nguồn nước từ đầu nguồn và từ các địa phương đổ vào đã được Bộ TN&MT và Ngân hàng Thế giới nhận diện mà chưa có giải pháp khắc phục.
Nghịch lý là nguy cơ lũ lụt giảm thì lại gia tăng khả năng úng ngập mỗi khi mưa lớn, không chỉ Hà Nội mà toàn bộ 11 thành phố bên sông đã úng ngập. Hệ thống thủy lợi đã được bền bỉ củng cố qua hàng ngàn năm nhưng nay ngày càng kém hiệu quả.
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước đây các hồ chứa thủy điện chỉ phải xả 2,5 tỷ m3 nước là tất cả các trạm bơm dọc sông Hồng có thể lấy được nước, nay tăng gấp đôi (4,3-5,7 tỷ m3) mà nhiều trạm bơm vẫn không thể lấy nước, nước trữ trong các hồ cũng thấp.
Sông Hồng có tổng lượng nước 118 tỷ m3/năm, nhưng 70% tập trung mùa lũ, mùa khô hạn cần thì lại thiếu. Giải pháp là cần nhiều không gian trữ nước, bao gồm những vùng trũng thấp và vùng bán ngập.
Theo Pierre Gourou (nhà địa lý nhân sinh Pháp), chỉ một trận lũ lớn đầu thế kỷ 20 đã tràn ngập 40 tỷ m3 (hơn 1/2 lượng nước lũ) vào lưu vực sông Tích, sông Đáy.
Chuyên gia thủy lợi Pháp đã dựa vào địa hình này xây dựng “Hành lang thoát lũ sông Hồng: Vừa là van an toàn cứu nguy cho Hà Nội, vừa là vùng bán ngập bồi lắng phù sa, để sản xuất nông ngư nghiệp trù phú. Trước khi sáp nhập vào Hà Nội, tỉnh Hà Tây đã giao hàng chục ngàn ha nghiên cứu dự án bất động sản vào đây, đặt ra những thách thức mà bản quy hoạch sông Hồng 2021 cần vượt qua.
Điều cần làm cho sông Hồng
Hà Nội là vùng đất nằm giữa các dòng sông. Sông Mẹ - sông Cả (tên cũ của sông Hồng) không chỉ sinh ra một Hà Nội trù phú mà cả ngàn năm nuôi sống bao đời kiếp con dân đất Việt. Ấy vậy mà nhiều năm qua, chỉ vì không tính hết, nên chẳng riêng gì Hà Nội mà cả vùng ven sông đã lãng quên trách nhiệm bù đắp cho sông.
Nhưng sông Mẹ dù có bị đối xử tệ bạc tới đâu vẫn bền bỉ tưới tắm cho nhân gian. Cổ nhân có câu “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì nó không sống cho mình, cho nên nó mới có thể sống mãi”. Sông Mẹ như Trời Đất vậy, vốn không sống cho mình nên vẫn chảy trôi, hiền hoà hay hung dữ tuỳ hoàn cảnh.
Cũng do vận hội mà nên, Hà Nội sau cơn nguy khốn dịch bệnh toàn cầu lại thêm chia sẻ gánh nặng thiên tai với cả nước càng biết ơn quê hương đất nước, đồng thời ngoảnh lại để nhận ra trách nhiệm của mình với sông Mẹ bao la.
Vậy Hà Nội cần làm gì cho sông? Bởi sông vốn cũng chỉ cần có nước và nước sạch. Không có nước thì không còn là sông, nước mà không sạch - ô nhiễm thì là dòng sông chết.
Lần đầu tiên Hà Nội nói về sông Hồng mà không tính chuyện xây nhà bán đất, coi vấn đề đảm bảo đủ nước cho sông khi mùa hạn, an toàn khi mùa lũ - lấy “thuận thiên” làm nguyên tắc ứng xử .
Cũng vì hạnh phúc người dân mà không tính chuyện di dân lấy đất để kinh doanh bất động sản, ấy là bỏ mục tiêu “quy hoạch vị lợi” mà hướng tới “quy hoạch vị nhân sinh”. Được biết Hà Nội đã kêu gọi các nhà quy hoạch tài ba, nhà khoa học đa ngành hàng đầu tham gia dự án, bà con ta hy vọng quy hoạch ông Hồng 2021 sẽ đạt thành tựu như ý.