Không thể cứ ra quân ào ào cho xong

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh.
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh.
TP - Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng, người gây chú ý với cảnh báo “con đường từ dạ dày ra nghĩa địa đang trở nên ngắn hơn bao giờ hết” trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vào mỗi dịp Tết.

Vấn nạn thực phẩm bẩn và độc hại đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng người dân vẫn lo ngại vì nó không thuyên giảm mà còn gia tăng, thưa ông?

Đây là một vấn nạn chúng ta đã biết từ lâu nhưng hiện nay vẫn chưa khắc phục được. Mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất nguy hiểm, không chỉ với trước mắt mà còn ảnh hưởng đến nòi giống của chúng ta về sau. Hậu quả không chỉ là người dân mắc bệnh, mà còn kèm theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Thực trạng này còn nguy hại tới mức hiện nay ở một số vùng, người dân vẫn trồng những luống rau riêng, vẫn nuôi cá, nuôi gà riêng để gia đình họ ăn. Còn khi bán ra thị trường, họ lại dùng chất kích thích tăng năng suất, không đảm bảo an toàn.

Tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về trách nhiệm của Bộ trong kiểm tra, kiểm soát sử dụng thuốc trừ sâu, chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi. Đồng thời nhiều đại biểu cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. 

Bộ trưởng có hứa khắc phục, tuy nhiên, qua thực tế cuộc sống cũng như phản ánh của cử tri và người dân, vấn đề này không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm: Thịt lợn chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định cho phép… Bởi thế mà con đường từ dạ dày đến nghĩa địa trở nên ngắn hơn bao giờ hết.

Mỗi năm sự mất an toàn trong đồ ăn thức uống đã cướp đi sinh mạng của bao người. Thậm chí người ta còn nói tử thần luôn rình rập trong các bếp ăn khi quá nhiều cái chết đã được cảnh báo trước do ăn thực phẩm bẩn... Vậy mà, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bao giờ giảm, điều này khiến người tiêu dùng mất phương hướng, mất niềm tin. 

Ông đánh giá thế nào về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua?

Tôi thấy các lực lượng có liên quan trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đã ra quân xử lý, ngăn ngừa. Thế nhưng không làm thường xuyên liên tục mà chỉ làm theo kiểu phong trào. Nghĩa là họ cứ ra quân làm ào ào cho có, xong rồi đâu lại vào đấy. 

Theo tôi, để hạn chế nguy hại từ thực phẩm, cần sự vào cuộc của các Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT và các sở mỗi địa phương. Tức là cần phải có liên ngành vào cuộc và làm thường xuyên chứ không nên ngắt quãng. Đặc biệt khi phát hiện ra vụ việc thì yêu cầu phải xử lý thật nghiêm và ngay tức thì  để răn đe.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG