Không quân Trung Quốc úp mở hình dáng oanh tạc cơ chiến lược H-20

Không quân Trung Quốc đã “hé lộ” thiết kế của máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo, Xian H-20
Không quân Trung Quốc đã “hé lộ” thiết kế của máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo, Xian H-20
TPO - Không quân Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đã “hé lộ” thiết kế của máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo, Xian H-20, trong một video tuyển quân năm 2021 được công bố vào ngày 5 tháng 1, theo Military Watch.

Một hình ảnh máy tính mô tả dường như về một máy bay ném bom tàng hình cỡ lớn được che trong một tấm vải trắng, chỉ rõ nét đường viền phía trước. Sau đó, tấm chăn được gỡ bỏ, vật thể phản chiếu không rõ ràng lên kính của mũ bay phi công từ một góc nhìn nghiêng. Nhưng việc này cũng cho thấy thiết kế cánh máy bay tương tự như thiết kế của loại UAV tấn công GJ-11 có năng lực lái tránh radar có trong biên chế PLA, chỉ có điều kích cỡ chiếc oanh tạc cơ lớn hơn nhiều.

Trung Quốc được coi là quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ tàng hình, chỉ có Mỹ cạnh tranh trong lĩnh vực này và Mỹ đang theo đuổi một loại máy bay ném bom tàng hình né tránh radar tương tự thuộc chương trình B-21.

H-20 sẽ là chiếc oạch tạc cơ đầu tiên trong biên chế của không quân Trung Quốc có khả năng bay xuyên lục địa. Máy bay dự kiến sẽ ra mắt công chúng trước cuối năm 2022, và hình dáng của nó vẫn được giữ bí mật cho đến thời điểm đó.

Nga và Mỹ hiện là những quốc gia duy nhất có máy bay ném bom có tầm bay xuyên lục địa phù hợp với các nhiệm vụ hạt nhân chiến lược, mặc dù Ukraine đã có một số lượng đáng kể vào đầu những năm 1990. Khi đó, Kiev sở hữu 19 chiếc Tu-160 và Trung Quốc được cho là đã cố gắng mua trước khi phương Tây can thiệp, ngăn chặn thỏa thuận. Sau đó, 8 chiếc trong số này bị đem gán nợ cho Nga. Số máy bay còn lại bị đem ra tiêu hủy.

Mặc dù Trung Quốc hiện triển khai nhiều máy bay ném bom hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với hơn 270 máy bay H-6, nhưng những máy bay này chỉ phù hợp cho các hoạt động chiến thuật và không thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở các lục địa khác. Vẫn chưa chắc chắn liệu khung thân máy bay H-20 có được sử dụng cho các mục đích ngoài khả năng răn đe chiến lược hay không, ví dụ máy bay tiếp dầu trên không, máy bay giám sát hay máy bay tác chiến điện tử...

H-20 cũng có thể được trang bị cho các nhiệm vụ chiến thuật, mang theo tên lửa hành trình cho các nhiệm vụ chống tàu mặt nước giống như H-6 ngày nay. Với kích cỡ lớn hơn và chi phí sản xuất, vận hành tốn kém hơn nhiều so với H-6, nhiều khả năng H-20 sẽ không thay thế loại máy bay cũ vẫn đang được sản xuất mà thay vào đó sẽ được giao một vai trò bổ trợ - giống như máy bay liên lục địa Tu-160M của Không quân Nga bổ trợ cho máy bay ném bom Tu-22M nhỏ hơn.

Nhân đây cũng cần nói thêm về UAV tấn công GJ-11. Tại cuộc diễu binh lớn kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc đã mang ra trình diễn UAV Gongji-11 (GJ-11). Nhiệm vụ của GJ-11 là ném bom chiến thuật, có hình dáng giống oanh tạc cơ H-20 nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Hai loại máy bay này có cùng kiểu cánh, một số đặc điểm tàng hình, ví dụ ống xả động cơ được giấu kín, một đặc điểm vốn có trên nhiều máy bay tàng hình của không quân Mỹ. Chiếc máy bay này khác xa so với thiết kế Sharp Sword, UAV tàng hình cao cấp đầu tiên mà Trung Quốc trưng bày.

H-20 và GJ-11 là những thứ cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tàng hình và máy bay không người lái.

MỚI - NÓNG