Không phải tiền chùa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dòng chảy những tiền giọt dầu, đặt lễ, hiến tặng, cúng dường... đổ về các di tích, chùa chiền, đền miếu (túm gọn lại là tiền công đức) không ngừng nghỉ. Tấm lòng thành của người dân “góp gió thành bão” bỗng tạo ra những nguồn thu khổng lồ.  “Tiền chùa” giờ đây không còn là chuyện nhỏ.

Nhiều năm trời, tiền công đức bị bỏ ngỏ chỉ bởi một lí do “nhạy cảm”. Phần lớn người dân một khi dâng lên cửa chùa, đình đền miếu mạo không bao giờ so đo tiền nhiều ít ra sao, chảy đi đâu. Thế nhưng bối cảnh nay đổi khác quá nhiều. Không còn những đồng lẻ giọt dầu cúng dường nhằm nhang đèn đơn sơ nữa, những khoản tiền công đức, hiện vật hiến tặng quy đổi ra nhiều triệu, nhiều tỷ đồng đôi khi làm phát sinh câu chuyện trục lợi, tư túi.

Không phải tiền chùa ảnh 1

Tác giả: Toan Toan

Thông tư 04 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 19/3/2023 đưa tiền công đức thành đối tượng được quản lý, làm rõ lai lịch những đồng tiền dân đóng góp, phân bổ rõ ràng. Nỗ lực minh bạch hóa dòng tiền không phải bây giờ mới có. Năm 1957, Thông tư 580 do Bộ Văn hóa ban hành nhằm quản lý nguồn thu của lễ hội đối với các di tích, lễ hội lớn. Di tích, lễ hội nhỏ có nguồn thu hạn chế do ban quản lý (BQL) di tích, người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo quản lý. Còn nhớ năm 2012, lãnh đạo Bộ VHTTDL chủ trì một số hội thảo bàn về quản lý tiền công đức nhưng bất thành. Thông tư liên tịch rốt cuộc chỉ hướng dẫn chung chung về nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng ở các cơ sở thờ tự.

Tinh thần cốt lõi của Thông tư 04 ở chỗ công khai, minh bạch cả đầu vào lẫn nguồn chi tiêu cho tổ chức lễ hội, tu bổ di tích... Bên cạnh sự tự nguyện nộp các khoản tiền công đức, tiền thu được ở lễ hội về kho bạc của nhiều BQL di tích, hàng nghìn cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước được toàn quyền quản lý thu - chi theo đúng tinh thần Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và được Luật Dân sự bảo hộ. Dù các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không chịu sự chi phối của thông tư này nhưng thông điệp về sự minh bạch, công khai tiền công đức được thể hiện xuyên suốt trong văn bản hướng dẫn. Đó cũng là kênh soi chiếu cho những người đứng đầu các cơ sở thờ tự. Nguồn tiền cúng dường thực tế lớn hơn nhiều con số một vài chục tỷ đồng mà một BQL di tích ở địa phương nộp cho Nhà nước mỗi năm.

Sự minh bạch, công khai chính là trách nhiệm cần có đối với những người đứng đầu cơ sở thờ tự trước những đồng tiền công đức người dân đem theo tâm thành gửi vào cửa chùa. Một bậc giáo phẩm của GHPGVN nói với tôi, tiền bạc chỉ là phương tiện, với nhà chùa phương tiện giúp các bậc tu hành hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Phương tiện chỉ vừa đủ, không nên để nó thao túng ta. Phật dạy “thiểu dục tri túc” tức giảm bớt tâm tham, biết thế nào là đủ.

MỚI - NÓNG