Lễ hội xuân 2023:

Ngăn biến tướng, trục lợi

TP - Lễ hội đầu xuân 2023 nở rộ, thu hút hàng vạn người dân tới lễ bái và vãng cảnh. Các địa phương lường trước khách đông để có phương án, tuy nhiên nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, vạ vật xếp hàng chờ đợi. Những năm gần đây, lễ hội tâm linh được chú ý đặc biệt, kéo theo nhiều biểu hiện biến tướng, thương mại hóa lễ hội.

Nhiều hình ảnh xấu

Người dân tham dự các lễ hội không chỉ để du xuân mà còn mong muốn cầu may, tìm đến nơi bình an. Hàng vạn du khách đã đổ về các di tích, đền, chùa, khu du lịch tâm linh trong dịp đầu năm mới. Trưởng BQL Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết từ mùng 3 đến mùng 8 Tết Nguyên đán, chùa Hương đón hơn 200.000 lượt khách.

Ngăn biến tướng, trục lợi ảnh 1

Người dân chen chúc, xếp hàng ở chùa Tam Chúc trong dịp đầu xuân

Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Hội Gióng đền Sóc cũng thu hút hàng nghìn người tham dự trong ngày khai hội - mồng 6 Tết Nguyên đán. Bái Đính, Tam Chúc, Yên Tử... là những địa chỉ “vàng” để du xuân, hành hương. Chính vì thế, đây cũng là các điểm xảy ra ùn tắc cục bộ kéo dài hàng giờ đồng hồ. Mỗi ngày khoảng 1 vạn người tới hành lễ và tham quan, nhiều du khách thập phương đi hội từ tờ mờ sáng để thuận tiện hơn trong việc di chuyển.

Việc đảm bảo, an ninh, an toàn cho du khách khi tham quan, trẩy hội đầu năm là một nhiệm vụ quan trọng của BTC lễ hội, BQL khu di tích, đền, chùa. Tuy nhiên, không khó để thấy cảnh người dân vạ vật chờ đợi, tìm chỗ nghỉ ngơi tại một số di tích, đền, chùa.

Tại Lễ hội chùa Hương 2023, do số lượng xe điện có hạn, khách du lịch đông nên lực lượng xe ôm xuất hiện la liệt. Du khách không chỉ bị làm phiền từ xe ôm mà còn bị người lái đò chèo kéo, mời gọi từ đoạn đường trước khi vào suối Yến hàng cây số.

Ngăn biến tướng, trục lợi ảnh 2

Suối Yến nhộn nhạo vì cảnh đánh bài, hát karaoke trên thuyền

Ảnh: GIA LINH.

Khung cảnh trên suối Yến trở nên nhếch nhác khi du khách thản nhiên chơi cờ bạc. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hàng chục chiếc đò với loa thùng, loa kéo liên tục mở nhạc kết hợp với giọng hát của du khách khiến khung cảnh vào chốn thiền càng ồn ào, bát nháo. Công tác đảm bảo an toàn cho du khách khi di chuyển trên suối Yến cũng chưa được thực hiện triệt để. Du khách không được mặc áo phao, thản nhiên đứng lên chụp ảnh mà không có sự nhắc nhở của chủ đò.

Việc rải tiền lẻ, đặt tiền lễ lên bàn thờ, nhét tiền vào các pho tượng… lâu nay bị các nhà văn hóa lên án gay gắt. Việc phát tâm công đức mang nét văn hóa với ý nghĩa thành tâm để xây dựng, tu bổ đền, chùa. Nhưng ý nghĩa này đã bị biến tướng khi nhiều người coi việc đi lễ, rải tiền lẻ như một khoán ước với thần linh cho những điều mình mong muốn, làm mất đi những nét đẹp vốn có của phát tâm công đức.

Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội nhận định, BTC các lễ hội đầu xuân năm 2023 quản lý, điều phối chặt chẽ hơn từ trung ương đến địa phương góp phần làm giảm đi các hành vi phản cảm. Tuy nhiên, các hành vi chưa đẹp vẫn còn đó bởi lễ hội tập trung quá đông người, việc quản lý sẽ khó khăn hơn. “Việc lợi dụng tổ chức lễ hội để kiếm chác, hàng quán không đúng quy hoạch, bãi trông xe tự phát là những hiện tượng phản cảm trong các lễ hội đầu xuân.

Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của người dân đôi chỗ còn kém nên rác thải vẫn tràn lan. Tôi hy vọng BTC các lễ hội, đặc biệt là người dân tham gia lễ hội cần nâng cao ý thức để mùa lễ hội diễn ra an toàn”, ông Trương Minh Tiến nêu.

Một số chuyển biến trong mùa lễ hội đầu xuân 2023: Lễ hội chém lợn (làng Ném Thượng, TP Bắc Ninh) thực hiện nghi thức chém lợn tế thánh trong phòng kín, thay vì chém lợn giữa sân đình. Lễ hội Đúc bụt tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) nổi tiếng với màn cướp chiếu cói cầu con cũng đổi mới. Khác với mọi năm, bên trong đình BTC sẽ chia chiếu trước, sau đó chia nhỏ cho người dân, tránh tình trạng tranh cướp.

Trục lợi từ lễ hội tâm linh

Sau ba mùa lễ hội bị “kìm nén” bởi dịch bệnh, đầu năm mới 2023, người dân đổ xô đi lễ hội là điều dễ đoán.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trần Hữu Sơn nhận định, mùa lễ hội 2023 nhộn nhịp nhất là những lễ hội tâm linh. “Sau thời gian dài kinh tế lao đao vì COVID-19, người dân có nhu cầu tìm đến những yếu tố tâm linh để giải tỏa khó khăn. Nhiều người đem cuộc sống đời thường gắn với việc đi lễ, gặp khó là tìm sự trợ giúp. Họ coi thần thánh có vai trò như vậy”, ông lý giải về sự “bùng nổ” của lễ hội.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có văn bản gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, tăng ni các chùa về việc tổ chức lễ cầu an đầu năm. Hội đồng Trị sự đề nghị việc tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an, phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. “Công tác tổ chức phải lưu ý tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nêu.

Cầu an tại chùa Phúc Khánh quy củ hơn

Tổ đình - chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) là một trong những điểm có tiếng nhất để cầu may, dâng sao giải hạn. Các khoá lễ kéo dài từ 30 Tết Nguyên đán tới 22 tháng Giêng. Lễ cầu an diễn ra từ tối mồng 6 tháng Giêng. Sáng mồng 8 tháng Giêng, nhà chùa tổ chức lễ Thượng nguyên. Khoá lễ bán khoán Đức ông diễn ra chiều 22 tháng Giêng âm lịch khép lại các khoá lễ xuân Quý Mão 2023.

Quanh khu vực chùa Phúc Khánh, nhiều điểm trông giữ xe đáp ứng nhu cầu của người dân. Khác với cảnh chen lấn, xếp hàng từ ngoài đường như mọi năm, lễ cầu an, dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh năm 2023 quy củ, bớt đông đúc hơn do khóa lễ tổ chức sớm, kéo dài nhiều ngày.

NGỌC ÁNH

Tuy vậy, biến tướng lễ hội vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Nhiều chốn tôn nghiêm bị trần tục hóa, không gian linh thiêng trở nên méo mó, biến dạng. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn nêu ra một số biểu hiện cho thấy lễ hội đang bị biến tướng, đặt nặng về “kinh tế” như vàng mã, đồ lễ có giá lên tới vài triệu đồng, chen lấn dâng sao giải hạn… “Một số nơi bán đồ lễ với giá quá cao so với thu nhập của người dân. Trong khi đó, dâng sao giải hạn không khác gì hoạt động buôn bán. Ai cũng nghĩ mình có hạn, không hạn năm tuổi thì lại vướng vào hạn khác…”, TS Trần Hữu Sơn nêu quan điểm.

Việc tổ chức lễ hội ở Việt Nam tồn tại bất cập là điều dễ hiểu. Cơ sở hạ tầng các đền, chùa còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả chặt chém vẫn là nỗi lo của nhiều người khi tham gia lễ hội. TS Trần Hữu Sơn đề cao vai trò của chế tài quản lý lễ hội. Ông cho rằng chế tài cần dựa trên khoa học, thực tiễn và đồng bộ, tránh đưa ra những quy định mang tính “giật cục”.