Về vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt tại thềm lục địa Việt Nam:

Không phải hoạt động kinh tế, mà là mưu đồ tính toán kỹ

GS.TS Trần Ngọc Vương
GS.TS Trần Ngọc Vương
TP - "Các chuyên gia dầu khí đã nói rõ, đây không phải là hành vi sản xuất, cũng không phải hoạt động khoan thăm dò. Giới nghiên cứu chính trị quốc tế đồng thanh khẳng định đây là hoạt động chính trị, là “chiến tranh không tiếng súng”, là hành vi cắm mốc trưng phần lãnh thổ, lãnh hải".

GS.TS Trần Ngọc Vương (Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) - chuyên gia hơn 30 năm nghiên cứu về Trung Quốc, các vấn đề biển Đông đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong xung quanh việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam. 

Theo ông, vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này để đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế - thềm lục địa Việt Nam?

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, như đã biết, có quy mô của một hàng không mẫu hạm, do chính Trung Quốc tự chế, thuộc dạng giàn khoan tiên tiến hàng đầu thế giới và có độ khoan sâu tối đa lên tới 10.000m, chế tạo nó “ngốn” xấp xỉ 1 tỷ đô la. 

Nhiều chuyên gia dầu khí Trung Quốc tỏ ra tự hào về giàn khoan này. Chủ sở hữu của giàn khoan là Cty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), Cty thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi lớn nhất, quan trọng nhất của nước này. Đối với một quốc gia khát nguyên liệu và năng lượng quy mô lớn, với tốc độ phát triển như hơn ba chục năm qua, dễ hiểu Trung Quốc coi giàn khoan này là một con “át chủ bài” của mình trong sự phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí. 

Gần ba năm sau ngày được chế tạo (2011), người Trung Quốc mang nó “cắm” xuống thềm lục địa, hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Suy nghĩ căn cứ vào thực tế hành xử truyền thống của Trung Quốc, tôi cho rằng ngay từ đầu, giàn khoan này đã được chế tạo để nhắm đặt vào một vị trí như vậy. Vấn đề ở đây là tính thời điểm của việc “xuống tay”.

Bỏ qua các thời điểm trước, chỉ tính từ năm 2009, thời điểm mà chính quyền Trung Quốc cố tình lôi ra từ “đống rác cũ” những lưu trữ giấy tờ hành chính của chính phủ Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch trước đây một phác thảo mang tính “nhật ký hải trình” của một viên chức cục đồ bản, nhanh chóng biến nó thành thứ tài liệu có tầm quan trọng quốc gia.

Để rồi còn khẩn trương hơn, họ coi đó là bằng chứng thể hiện “lợi ích cốt lõi” của nước Trung Quốc “mới”, đưa ra trước thế giới “đường chín khúc”, thì những người nghiên cứu Trung Quốc nhạy cảm nhất trên thế giới đã sớm nhận ra khát vọng muộn mằn của người Trung Quốc tạo dựng một “đế chế biển”.

Không phải hoạt động kinh tế, mà là mưu đồ tính toán kỹ ảnh 1 Đài radio của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa năm 1939

Để khẩn trương hiện thực hóa khát vọng này, một khát vọng “thành phần” làm nên “giấc mộng Trung Quốc mới”, liên tục và ráo riết trong vòng 5 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã lần lượt gây hấn với tất cả các chủ sở hữu tự nhiên và truyền thống của biển Đông, kể cả việc không ngần ngại va đập với các “hải khách vãng lai khổng lồ”.

Tôi cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc khi quyết tâm tạo lập đế chế biển là “xử lý” Việt Nam, quốc gia láng giềng có phần lãnh hải tiếp giáp với họ lớn hơn cả, nhiều hơn cả, quan trọng hơn cả, cũng là quốc gia có nhiều “ân oán lịch sử” nhất đối với họ. 

Chỉ có xuyên qua lãnh hải Việt Nam, lãnh hải Philippines, người Trung Quốc mới rộng đường ra Thái Bình Dương, để rồi vươn ra những đại dương khác. Đây cũng từng là hải trình chính yếu mà phần lớn trong số 50 triệu Hoa kiều trải qua trong thế kỷ XX nhưng là qua phương thức “thuyền nhân”, “một đi không trở lại”.

Sau một thời gian “kéo cưa lừa xẻ” với người Nhật trên biển Hoa Đông, sau nhiều cuộc tiếp xúc, va chạm và nghe ngóng, thăm dò phản ứng của người Mỹ, tranh thủ thời đoạn “hữu hảo” với Nga, tranh thủ lúc tình hình Ukraine rối bời thu hút sự chú ý của các đại thế lực (Nga, Mỹ, châu Âu, cả Nhật Bản nữa), người Trung Quốc đi đến quyết định “thả giàn”. Tôi cảm thấy họ quá coi thường Việt Nam. Tôi hiểu họ đã tính toán và chờ đợi cơ hội một cách kỹ lưỡng, thâm độc.

Những âm mưu, toan tính gì của Trung Quốc phía sau hành động này, thưa GS?

Các chuyên gia dầu khí đã nói rõ, đây không phải là hành vi sản xuất, cũng không phải hoạt động khoan thăm dò. Giới nghiên cứu chính trị quốc tế đồng thanh khẳng định đây là hoạt động chính trị, là hành vi xâm lấn không sử dụng “vũ khí nóng”, là hành vi cắm mốc trưng phần lãnh thổ, lãnh hải.

Không quyết liệt ngay từ đầu, thì mặc nhiên chấp nhận mất biển cho họ. Nhưng cần nói rõ, đây cũng là khởi đầu cho một chuỗi những toan tính hành động tiếp theo, xa hơn, rộng hơn, có “tầm chiến lược” hơn nếu ngay từ đầu hành động này không bị ngăn chặn quyết liệt.

Vậy theo GS, kịch bản tiếp theo sẽ là gì?

Không có những tiếng nổ lớn, không có chiến tranh hiểu theo nghĩa thông thường, cổ điển. Không ai, không phía nào dại gì sử dụng vũ khí nóng ở đây. Trung Quốc đang triệt để khai thác ưu thế của họ trong hai loại chiến tranh khác: chiến tranh tâm lý (kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước và hăm dọa đe nẹt đối thủ nếu tỏ ra bạc nhược), và chiến tranh tuyên truyền. 

Ngoài ra, người Trung Quốc là bậc “siêu sao” trong các hình thức vận động hậu trường, vận động “thiên đình”, rất thiện nghệ trong môn tu từ học chính trị. Họ sẽ lảng tránh cuộc chiến pháp lý, nơi họ cầm chắc kết quả thất bại, bẽ bàng. Họ sẽ cứ làm theo điều họ tâm niệm, toan tính từ lâu. Cái họ đang làm là tạo ra một hiện trạng mới có lợi, rồi dựa vào giải pháp de facto (dựa trên những gì xảy ra trên thực tế chứ không theo luật định - PV) để thủ lợi.

Xin chân thành cảm ơn GS!

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.