Hòa bình, ổn định khu vực bị đe dọa nghiêm trọng

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm thẳng tàu Việt Nam
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm thẳng tàu Việt Nam
TPO - Hành động tàu Trung Quốc cố tính đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích về người và hư hỏng về tài sản đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) ngày 10/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Myanmar và các nước ASEAN đóng góp tích cực vào nội dung thảo luận và thành công của các Hội nghị. 

Phó Thủ tướng cho rằng, ASEAN đang ở giai đoạn bản lề hướng tới sự hình thành của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 và xây dựng định hướng phát triển của ASEAN sau 2015 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng. 

Những thay đổi này đặt ra nhiều thách thức khó lường đối với ASEAN, ảnh hưởng tới môi trường hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Thách thức của ASEAN là làm sao có thể xử lý mối quan hệ và sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn ở khu vực, nhất là trong bối cảnh có sự xuất hiện trở lại của chính trị cường quyền trên trường quốc tế. Chính trị cường quyền cũng đặt câu hỏi đối với giá trị của luật pháp quốc tế, nguyên tắc và chuẩn mực trong quan hệ quốc tế và vai trò của các thể chế đa phương như ASEAN. Trong lĩnh vực kinh tế, thách thức lớn nhất là làm sao bảo đảm tính cạnh tranh và sự thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN trước quá trình tái cơ cấu nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Đó là việc ngày 1/5, Trung Quốc lần đầu tiên hạ đặt giàn khoan nước sâu HD 981 và đưa tàu hộ tống vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý.

Cho đến nay, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu, bao gồm cả tàu quân sự, tới khu vực giàn khoan. Các tàu của Trung Quốc đã cố tính đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích về người và hư hỏng về tài sản. Hành động trên của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp khác nhau với phía Trung Quốc, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu và giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

[Xem thêm: Bộ Quốc phòng làm việc với lực lượng Cảnh sát biển]

Trước những căng thẳng trên thực địa vẫn đang tiếp tục leo thang, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, ASEAN cần phải đoàn kết và có phản ứng chung đối với tình hình nghiêm trọng này. 

Do đó, đề nghị ASEAN có tiếng nói chung bằng việc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông, nhấn mạnh các nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông như đã được thể hiện trong Tuyên bố DOC và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông tháng 7/2012; yêu cầu các bên liên quan không làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình theo Công ước Luật Biển, triển khai đầy đủ DOC, đẩy mạnh các nỗ lực sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hà Nhân

Từ Nay Pyi Taw- Myanmar

MỚI - NÓNG