Không để cơ chế đặc quyền

 Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
TP - Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, để kiểm soát tài sản của quan chức một cách hiệu quả, cần quyết liệt hành động, xóa bỏ các lợi ích cá nhân cũng như đặc quyền của quan chức ở các địa phương. Cùng đó, cần quyết liệt làm rõ tình trạng tài sản của các quan chức.

Xóa lợi ích cá nhân


Nghị quyết T.Ư 4 mới đây nêu rõ, tình trạng tham nhũng xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ các quan chức. Theo ông, việc minh bạch tài sản quan chức vì sao đến nay vẫn chưa làm một cách quyết liệt, công khai được?

Việc phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản của quan chức chúng ta đều đã có các quy định rõ. Không phải là không làm được. Vấn đề lớn nhất trong quản lý tài sản của các quan chức chính là việc các bản kê khai này cho đến gần đây chỉ hạn chế trong một diện hẹp các cơ quan, quan chức được tiếp cận. Các bản kê khai này thường bị “bỏ trong ngăn kéo khóa lại”, ít được xem xét, soi chiếu lại.

Nghị quyết T.Ư 4 cũng đề cập đến việc cần quyết tâm làm sạch bộ máy, tăng cường chống tham nhũng ở các cấp. Vấn đề chống tham nhũng, quản lý tài sản của quan chức phải quyết tâm thực hiện mới có kết quả. Điều tra ăn cắp một chiếc xe đạp chúng ta còn làm được, huống hồ điều tra xem quan chức có bao nhiêu dinh thự.

Như ở bên Mỹ, khi nhậm chức bộ trưởng cũng đồng nghĩa quan chức đó không được quyền ngó vào tài sản của mình nữa. Tất cả tài sản liên quan đến những doanh nghiệp quốc phòng hoặc có liên quan, anh đều phải báo cáo và giao cho ban quản lý tài sản thanh lý hết, không được giữ lại quyền lợi nào liên quan. Các bộ trưởng khác cũng vậy. Tài sản bắt buộc phải ký giao cho một tổ chức quản lý tài sản quản lý và không được quyền hỏi họ đã làm gì với số tài sản của mình.

Như trường hợp ông McNamara đã phải nghỉ giữ chức chủ tịch công ty Ford (mới giữ chức vụ này được 1 tháng) khi Tổng thống Kennedy mời ra làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông cũng phải thanh lý toàn bộ tài sản có liên quan quốc phòng, kể cả quyền mua 5 triệu cổ phần giá ưu đãi của hãng Ford, rồi mới được nhậm chức.

Ở các nước, việc khai báo tài sản của quan chức cũng rất rõ ràng. Không thể có chuyện khi anh giữ chức giám đốc cơ quan tài nguyên-môi trường là lại về địa phương, về quê quy hoạch lại đất đai để mua gom với giá rẻ rồi bán lại thu lời như ở một số địa phương của ta hiện nay.

Việc kiểm soát tài sản quan chức phải thực hiện nghiêm, tránh tình trạng “hô to” rồi… để đấy. Với những quan chức cố tình giấu giếm không kê khai đầy đủ tài sản sẽ phải đối mặt với việc bị cắt chức, thậm chí truy tố. Vấn đề từ trước đến nay mình không làm vì sợ bứt dây động rừng. Có tình trạng nếu làm sẽ động đến ông nọ, ông kia...

Chúng ta cần quyết liệt làm một vài trường hợp, tình hình mới cải thiện được.

Kiểm soát đặc quyền của quan chức


Chúng ta cũng nói nhiều đến tình trạng “tư duy nhiệm kỳ”. Đây là yếu tố dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng, trục lợi. Cần có biện pháp gì để quản lý tình trạng lợi dụng chức quyền để trục lợi trong một bộ phận quan chức?

Báo chí cũng đã nói nhiều về tình trạng tham nhũng ở nhiều cấp độ khác nhau. Như trường hợp ông trưởng thôn ở xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) hay như ở xã Thượng Lan, huyện Việt Yên (Bắc Giang) cũng có thể bán đất trái thẩm quyền thu lợi nhiều tỷ đồng. Vấn đề các ông “quan nhỏ” này ai sẽ xử lý? Ông chủ tịch xã có xử lý được không hay có vướng mắc gì? Quan nhỏ mà đã tham nhũng, lạm quyền được như vậy thì các cấp trên nữa, ở các quận, huyện, ai sẽ quản lý.

Việc kiểm soát tài sản quan chức phải thực hiện nghiêm, tránh tình trạng “hô to” rồi… để đấy. Với những quan chức cố tình giấu giếm không kê khai đầy đủ tài sản sẽ phải đối mặt với việc bị cắt chức, thậm chí truy tố.

Chuyên gia Bùi kiến Thành

 Các quan chức lớn nhỏ cần nhận thức được từng hành động của mình. Việc quan chức cấp xã tư lợi, bỏ túi là một chuyện. Cao hơn nữa cần có chế tài quản lý riêng. Như với các chủ tịch tỉnh, cần kiểm soát việc phân cấp, phân quyền, chấp thuận ưu đãi đầu tư với những dự án lớn, có thời gian thuê đất dài hạn. Đây là những yếu tố cần kiểm soát chặt. Vấn đề chính trong kiểm soát hoạt động tham nhũng, tài sản hình thành từ tham nhũng của các cán bộ công quyền, từ địa phương đến trung ương chính là sự quyết liệt thực hiện. Tại sao hệ thống văn bản, quy định đã có mà không làm?

Phải chăng việc quan chức trốn kê khai hoặc kê khai không đầy đủ tài sản là do sợ bị giống cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - ông Đặng Hạnh Thu (đã kê khai đầy đủ tài sản của mình, sau đó lại bị mất chức)?

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Có người nói cứ công khai hết công chức, quan chức tham nhũng thì lấy ai mà làm việc. Còn những người thẳng thắn, trung thực khai báo tài sản lại bị mất chức. Anh làm như vậy khác gì khiến những người khác cũng phải khai tài sản của mình. Cùng đó, quan chức sẽ phải trình bày lấy tiền đâu để mua nhà, mua đất. Nếu không giải trình được nguồn tiền thì sẽ rất rắc rối.

Việc cần làm trong quản lý tài sản của quan chức đó là đã yêu cầu kê khai tài sản, nếu quan chức không kê khai đầy đủ thì phải xử lý. Quan chức không kê khai thì bị xử lý ra sao. Giờ nếu theo Nghị quyết T.Ư 4, quan chức nào phạm tội tham nhũng sẽ bị thu hồi tài sản, sung công quỹ. Mọi việc đều có thể làm được.

Ở các nước, hằng năm, chi tiêu ngân sách dành cho tổng thống, các bộ trưởng hết bao nhiêu đều được công khai. Việc này áp dụng ở Việt Nam có khả thi?

Các nước họ có quy định khá rõ về chi tiêu công và chi tiêu riêng. Như tổng thống Mỹ, đi công cán ở đâu, ngân sách sẽ bỏ ra chi. Nhưng để con cái đi cùng thì tổng thống phải bỏ tiền túi ra chi trả, không được tính vào chi phí của chuyến công cán. Ở Việt Nam có trường hợp quan chức đi công tác từ Hà Nội vào Đà Nẵng ăn uống nhậu nhẹt hết cả chục triệu đồng, nhưng rồi vẫn lấy hóa đơn về thanh toán cơ quan. Tất cả những chuyện này là do quản lý ngân sách vẫn còn lỏng, cần siết lại.

Ở các nước châu Âu, cũng không có tình trạng quan chức đi công tác nước ngoài, nhưng tranh thủ dẫn cả vợ con đi theo dưới hình thức này, hình thức kia như ở Việt Nam. Tất cả các khoản chi tiêu ngân sách đều bị thanh, kiểm tra kỹ lưỡng. Không có chuyện anh muốn chi tiền từ ngân sách bao nhiêu cũng được, kể cả tổng thống. Vấn đề vẫn là chúng ta có làm hay không. Giờ chúng ta đã nhìn thấy những vấn đề như vậy thì cần làm quyết liệt để mọi thứ tốt hơn.

Không nên để tình trạng nhìn thấy một cái cây mít bị sâu mà không xử lý vì cho rằng một con sâu thì làm được gì. Một ngày, cây không đổ ngay được. Nhưng sau nhiều ngày bị sâu đục sẽ mục rỗng, quả mít sẽ thối, sẽ rơi xuống.

Việc quy định công chức giao dịch tài sản lớn qua ngân hàng cũng chỉ là việc nhỏ. Việc chống tham nhũng, kiểm soát tài sản của quan chức phải thực hiện quyết liệt từ cấp nhỏ đến cấp cao.


Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG