Nhiều khoản thu nhập ngoài lương
Năm 2012, cuộc khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng thế giới thực hiện đối với gần 2.000 cán bộ, công chức ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành cho thấy thực trạng cán bộ, công chức (CBCC) có thu nhập ngoài lương là khá phổ biến. Kết quả khảo sát cho thấy: Trong 2.000 CBCC được hỏi thì có 1.415 người trả lời có thu nhập ngoài lương, 352 không có thu nhập ngoài lương và 27 người nói khó trả lời.
Biểu đồ các khoản thu ngoài lương của CBCC. Nguồn: Thanh tra chính phủ
Về phân loại các khoản thu nhập ngoài lương (tỷ lệ % trong số những người trả lời có thu nhập ngoài lương) cho thấy, 55,4% người có thu nhập ngoài là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; 64,8% trả lời thu nhập ngoài do tiết kiệm được các khoản chi theo mức khoán quy định; 6,6% có thu nhập từ tiền được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị; 5,4% trả lời có thu nhập ngoài từ được biếu, tặng. Ngoài ra, 39,6% trả lời có thu nhập ngoài lương từ khoản khác.
Kết quả khảo sát cũng lượng hóa mức thu nhập ngoài lương so với lương và các khoản phụ cấp theo lương. Theo đó, 11,1% cho biết có thu nhập ngoài bằng 50% tới 100% tiền lương, 2,1% trả lời có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng không gấp quá 5 lần lương, 0,2% trả lời có thu nhập ngoài gấp từ 5 đến 10 lần tiền lương...
Kết quả điều tra năm 2005 của trường Đại học Kinh tế quốc dân đối với 11.532 người cũng cho thấy thu nhập từ công việc chính của một số người lao động hưởng lương chỉ chiếm 42,7% còn khoảng 53,3% là thu nhập từ hoạt động khác.
Những kết quả khảo sát nêu trên, mặc dù chưa đại diện cho tổng thể người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam, nhưng phần nào cho thấy thực trạng thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Số CBCC có thu nhập ngoài lương chiếm tỷ lệ cao. Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng, có cả những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan đến tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng.
Biểu đồ thu nhập ngoài lương của CBCC.
Nguồn: Thanh tra chính phủ
Kiểm soát ra sao?
Theo Thanh tra Chính phủ, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn không chỉ đơn giản là phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định. Ví như kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn không chỉ nhằm mục đích để thu thuế thu nhập đối với những khoản thu nhập chịu thuế mà người có chức vụ, quyền hạn không kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế mà sâu xa hơn là nhằm kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện những khoản thu nhập bất minh của người có chức vụ, quyền hạn, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện xử lý hành vi tham nhũng.
Trong đề tài nghiên cứu về kiểm soát thu nhập người có chức vụ quyền hạn, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng, cùng với sự gia tăng tiền lương, thu nhập, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát thích hợp thu nhập của xã hội nói chung và trước hết là đối với người có chức vụ, quyền hạn nói riêng. Trong bối cảnh chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát thu nhập của cả xã hội việc đặt vấn đề kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là phù hợp và khả thi hơn.
Vì vậy, để phát hiện, ngăn chặn những gì trái quy định liên quan đến thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì cơ quan có thẩm quyền phải theo dõi, nắm bắt được sự biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở mọi thời điểm bởi không chỉ việc tăng tài sản, thu nhập mà ngay cả việc giảm tài sản, thu nhập cũng tiềm ẩn những vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi tiêu cực, tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ như việc người có chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ vì mục đích vụ lợi cũng sẽ cấu thành hành vi tham nhũng.
Thế nhưng, việc kiểm soát thu nhập hiện còn nhiều hạn chế và thiếu khả thi do nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là tiền mặt, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Theo số liệu điều tra, khảo sát thực trạng thanh toán một số năm qua tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân người Việt Nam rất thấp, cao nhất không quá 10%. Trong đó, hoạt động chuyển nhượng tài sản có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của các hoạt động kinh tế khác cao nhất chỉ là 7,86%.
Mặc dù đã thực hiện quy định về kê khai tài sản nhưng theo một số chuyên gia, quy định về tài sản, thu nhập phải kê khai chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng. Ví như, quy định giá trị tài sản từ 50 triệu đồng/loại tài sản trở lên phải kê khai là chưa phù hợp với biến động giá trị tài sản theo thị trường. Phạm vi kê khai chỉ là tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên đã tạo kẽ hở để nhiều người chuyển tài sản của mình cho con thành niên nhằm tránh sự kiểm soát. Việc kê khai chỉ dựa vào ý thức tự giác do vậy rất khó phát giác những tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng.
Đặc biệt, hiện chưa có quy định của pháp luật về hành vi và tội phạm làm giàu bất chính. Mặc dù Nhà nước đã có một số quy định cấm sử dụng công quỹ để biếu xén, quy định về chi tiêu hội nghị, tiếp khách, mua xe ô tô, đấu thầu, công khai tài chính... nhưng không có biện pháp kiểm tra xử lý, vẫn còn thiếu nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc...
Cũng có quan điểm nếu chỉ kiểm soát riêng thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì sẽ khó khăn và không hiệu quả vì người có chức vụ, quyền hạn có thể dễ dàng lẩn tránh sự kiểm soát nếu như cơ chế kiểm soát thu nhập của xã hội nói chung chưa chặt chẽ. (Người có chức vụ, quyền hạn có một khoản thu nhập bất minh lớn nhưng dễ dàng chuyển khoản thu nhập đó cho người thân trong gia đình mà chúng ta không có cơ chế để kiểm soát đối với người thân đó thì việc kiểm soát đối với người có chức vụ, quyền hạn cũng chỉ là hình thức).
Do vậy, với mục tiêu phòng, chống tham nhũng việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn phải đặt trong tổng thể việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của toàn xã hội.