Quyết định đầu tư sai là cái gốc của tham nhũng

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu Quốc hội làm sai, quyết định chủ trương đầu tư sai thì cũng phải nhận khuyết điểm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu Quốc hội làm sai, quyết định chủ trương đầu tư sai thì cũng phải nhận khuyết điểm.
TP - Ngày 11/4, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả, bởi đó là cái gốc tham nhũng, lãng phí mà dường như lâu nay bị bỏ ngỏ.

Quốc hội làm sai cũng phải nhận khuyết điểm

Trong khi đó, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu Quốc hội làm sai, quyết định chủ trương đầu tư sai thì cũng phải nhận khuyết điểm.

Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về đầu tư công có thể bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. 

Tuy nhiên ĐBQH cho rằng quy định còn chung chung, khó khả thi. “Cần chỉ rõ trách nhiệm cá nhân làm thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công là gì, nhất là ngay từ khâu tư vấn, thiết kế. Phải minh bạch trách nhiệm cá nhân mới có thể chặn được thất thoát, lãng phí như vừa qua” - ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chỉ rõ: “quyết định chủ trương đầu tư sai là cái gốc tham nhũng, lãng phí và đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân”. 

Lấy ví dụ chủ trương đầu tư dự án thủy điện thời gian qua vừa lãng phí vừa gây hại cho dân, ông Minh phân tích: “Ai là người có thể đi lên rừng để thẩm định các dự án? Rõ ràng cơ quan tham mưu phải chịu trách nhiệm”.

Mới đây, dự án Thủy điện Đắc Mi 4 làm thay đổi dòng chảy, cạn kiệt nguồn nước, dân đòi khởi kiện vì đầu tư sai. “Người đề xuất, tham mưu mà dẫn đến quyết định sai nếu chỉ bị xử lý vi phạm thì còn mập mờ, còn nhẹ quá. Phải quy định chế tài mạnh để tăng hiệu lực, hiệu quả đầu tư công. Quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả phải coi là dấu hiệu phạm tội. Pháp luật không nên có vùng loại trừ nào” - ông Minh kiến nghị.

Luật Đầu tư công quy định, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn trong trường hợp đó khó xử lý trách nhiệm Quốc hội. 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho hay, tuy chúng ta không kỷ luật được Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhưng Quốc hội làm sai cũng phải nhận khuyết điểm.

Về giám sát đầu tư của cộng đồng (điều 80) đối với các dự án đầu tư công, ĐB Đỗ Văn Đương (Hà Nội) nhận xét “quy định tại dự luật vẫn như đứng ngoài dòng chảy”. “Anh đứng ngoài sẽ không biết bên trong như thế nào. Cho nên, cần quy định cụ thể, nếu không chỉ là đứng ngoài xem mà thôi” - ĐB Đương cho biết.

“Quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả phải coi là dấu hiệu phạm tội. Pháp luật không nên có vùng loại trừ nào”.

ĐBQH Ngô Văn Minh

Các ĐBQH cũng kiến nghị Luật cần có biện pháp để bịt kẽ hở đầu tư công như các dự án ưu đãi không phải đấu thầu, lợi dụng dự án trục lợi, thông thầu... ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên -Huế) đề nghị cần thống kê, đánh giá công trình đầu tư không sử dụng, để hoang phí trong thời gian qua. Sau khi đánh giá, phải quy kết trách nhiệm. Kể cả làm đúng quy trình rồi mà sau đó công trình xuống cấp, hỏng hóc cũng phải đánh giá để minh bạch trách nhiệm.

“Luật có quy định về đánh giá chương trình, dự án đầu tư công, nhưng vẫn chưa giải quyết đúng chỗ ngứa hiện nay. Theo tôi, cần tập trung đánh giá những dự án, công trình có dấu hiệu lãng phí, tham nhũng, hiệu quả thấp, nếu không sẽ chẳng giải quyết được gì…” - ĐB Mạo kiến nghị.

MỚI - NÓNG