Chống tham nhũng phải nhìn thấy được trong thực tế
“Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Một mặt, trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng nhưng mặt khác, cần có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả...”-Tổng Bí thư chỉ rõ.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng hơn so với trước. Việc phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí và nhân dân trong công tác PCTN được chú trọng hơn.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân. Tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, cần gắn công tác PCTN với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát.
“Một mặt phải tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền đặc lợi, tự giác chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo báo cáo, từ năm 2009 đến 2013 và 6 tháng đầu năm nay, đã có 2041 vụ án/5120 bị cáo bị truy tố về các tội phạm tham nhũng. Trong đó, từ năm 2012 trở lại đây cho thấy, số vụ án tham nhũng có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
“Đa số đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có địa vị cao trong xã hội, có nhiều mối quan hệ, thậm chí đã từng là đồng nghiệp với người tiến hành tố tụng” - Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết.
Mặc dù số tiền thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ việc liên quan đến tham nhũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hiệu quả thu hồi tài sản lại rất thấp. Trong khi đó, hiệu quả các biện pháp PCTN cũng còn hạn chế. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, các giải pháp kê khai tài sản, thu nhập, trả lương qua tài khoản, nộp lại quà tặng hiệu quả thấp.
Qua xác minh thời gian qua, có 3 trường hợp kê khai không trung thực, 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai và báo cáo kết quả kê khai. Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác PCTN còn hạn chế, có tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan này.
Phải kiểm soát được quyền lực
Theo Tổng Bí thư, cần xác định PCTN là một công tác trọng tâm, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp. Bên cạnh đó, cần “thiết lập cho bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, tránh để quyền lực quá lớn, tập trung và không được giám sát, dẫn đến quan liêu, lạm quyền, phạm sai lầm nghiêm trọng” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Báo cáo về công tác PCTN, ông Nguyễn Bá Thanh – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương hai lần nhấn mạnh “tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay”.
Theo ông, những năm gần đây và năm 2013, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của nhà nước. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực, tham nhũng có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng. Tham nhũng “vẫn là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”.
Cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, tập trung xử lý những vụ tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức.
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng kiến nghị xử lý thật nghiêm người đứng đầu, có chức vụ cao mà tham nhũng. “Cần chỉ đạo xử lý thật nghiêm những người phạm tội tham nhũng bất kể ở vị trí, cương vị nào; sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị cần được đặt lên hàng đầu” - Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiến nghị. Ông Thảo cũng cho rằng, “sự gương mẫu của cấp trên còn mạnh hơn cả hàng triệu bộ luật”.
Theo Đại biểu tỉnh Đắk Lắk, “tham nhũng phải được dư luận lên án, phải bị coi là tội phản quốc, vì có nguy cơ dẫn đến tồn vong của chế độ; đồng thời phải ghi hành vi tham nhũng và mức kỷ luật vào lý lịch đời con, cháu của họ”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị có biện pháp khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng. “Có hình thức tặng thưởng huân chương dũng cảm cho người có thành tích chống tham nhũng” - Ông Tranh nói.
Chỉ thu hồi được 10% tài sản tham nhũng
Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết, số tài sản thu hồi từ các vụ việc tham nhũng đạt thấp, không quá 10%. Một số vụ việc xảy ra tại tập đoàn Vinashin, Vinalines, vụ án Nguyễn Đức Kiên...việc thu hồi tài sản cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, có 24 bộ ngành, địa phương báo cáo đã tự phát hiện tham nhũng; đã xử lý trách nhiệm 69 người đứng đầu, chuyển công tác 32.472 cán bộ.