Mỹ: Giải pháp nhiều lớp
Thông điệp của Tổng thống Hoa Kỳ, Harry S.Truman tại kỳ họp quốc hội ngày 27/9/1951 là một trong số những tuyên bố chính trị đầu tiên về sự cần thiết phải có sự công khai trước công chúng về các nguồn tài chính cá nhân của một số quan chức cấp liên bang: “Với tất cả các câu hỏi được đưa ra hôm nay về sự thẳng thắn và thành thật của công chức, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên sẵn sàng để đưa thông tin về thu nhập của mình ra công khai”.
Hệ thống công khai thông tin về tài sản mà quan chức kê khai chủ yếu nhằm bảo đảm tính minh bạch và ngăn chặn xung đột lợi ích. Hệ thống yêu cầu công khai tài chính cá nhân được thành lập ở nhiều cấp độ, từ cấp liên bang tới cấp bang và cấp quan chức địa phương (ví dụ, thành phố New York). Ngoài ra, có các hệ thống riêng cho từng cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, tập trung vào những người nắm giữ chức vụ quan trọng.
“Với tất cả các câu hỏi được đưa ra hôm nay về sự thẳng thắn và thành thật của công chức, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên sẵn sàng để đưa thông tin về thu nhập của mình ra công khai”
Tổng thống Hoa Kỳ,
Harry S.Truman
Hệ thống của Mỹ giám sát nội dung kê khai tài sản ở cả hai mức độ: công khai cho dân chúng biết và được giữ bí mật. Ở cấp liên bang, ứng viên cho các vị trí được bầu, quan chức được bầu và quan chức cấp cao được bổ nhiệm phải nộp báo cáo công khai tình trạng tài chính cá nhân (công khai cho người dân được biết). Yêu cầu tương tự được áp dụng đối với người được bầu trong ngành lập pháp, thẩm phán liên bang…
Trong ngành hành pháp, quan chức cấp thấp nhưng ở những vị trí ra quyết định cũng được yêu cầu kê khai tài sản, nhưng nội dung kê khai được giữ bí mật. Mỗi năm, các quan chức trong cơ quan hành pháp nộp hơn 20.000 báo cáo công khai tài sản, còn các quan chức trong cơ quan lập pháp nộp vài nghìn báo cáo. Ngoài ra, có khoảng 280.000 báo cáo kê khai tài sản được giữ bí mật.
Việc công chúng tiếp cận thông tin kê khai tài sản không chỉ góp phần nâng cao tính minh bạch của hệ thống mà còn trở thành chất xúc tác cải cách hệ thống. Ví dụ, một tổ chức phi chính phủ tên là Trung tâm Liêm chính Công đã giám sát các yêu cầu công khai tài sản trong các cơ quan hành pháp bang kể từ năm 1999.
Trung tâm này đã phát triển hệ thống đánh giá riêng của mình, dựa trên một khảo sát đo lường mức tiếp cận của công chúng đối với thông tin về việc làm, đầu tư, tài chính cá nhân, sở hữu tài sản của các nhà làm luật và các hoạt động khác ngoài cơ quan.
Trước đây, bang Louisiana có thứ hạng rất thấp, nên sau khi lên làm Thống đốc bang năm 2008, ông Bobby Jindal ký một số dự luật, theo đó, tất cả các nhà làm luật phải báo cáo về lợi tức tài chính bên ngoài.
Đây là lần đầu tiên loại kê khai tài sản này được áp dụng ở Louisiana. Nhờ giải pháp của ông Jindal, Louisiana đã lội ngược dòng, vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng của Trung tâm Liêm chính Công.
Bắc Âu: Công khai tài sản quan chức qua internet
Các nước vùng Scandinavia, bao gồm cả Iceland, được đánh giá là có mức độ tham nhũng thuộc loại thấp nhất thế giới. Mức độ minh bạch và niềm tin của công chúng đối với quản lý công và dịch vụ công ở mức cao, và các hệ thống kê khai tài sản dựa trên những giá trị và nét văn hóa lâu đời.
Nội dung kê khai tình trạng tài chính cá nhân ở cả 4 nước là giống nhau, bao gồm thông tin về tài sản, nợ phải trả, khoản cho vay, cho mượn, nguồn và mức độ thu nhập.
Ba nước Na Uy, Thụy Điển và Iceland còn mở rộng danh sách kê khai này, thêm vào ba mục là việc làm thêm, quà tặng và quá trình công tác. Thông tin kê khai tài sản của các quan chức được bầu và công chức cấp cao được công khai cho dân chúng biết, chủ yếu là qua internet.
Các nước Scandinavia quan tâm đặc biệt đến các lĩnh vực có nguy cơ cao về tham nhũng, như thuế, hải quan và dịch vụ mua sắm, đấu thầu. Họ kiểm soát chặt hơn thông qua việc tăng cường thanh tra và kiểm toán nội bộ.
Những ngành này được cung cấp hướng dẫn bổ sung. Trong một số trường hợp, có những cơ quan, đơn vị có quy định riêng về kê khai tình trạng tài chính.
Cơ quan Giám sát Tài chính Đan Mạch yêu cầu mọi nhân viên cung cấp quyền truy cập tài khoản cá nhân và các thông tin khác về các nghĩa vụ tài chính khác nhau. Các văn phòng Mua sắm công và Thuế Na Uy yêu cầu nhân viên tiết lộ tài sản cá nhân và lợi tức tài chính.
Latvia yêu cầu công chức báo cáo cả về tài sản thuộc sở hữu và tài sản được sử dụng. Thành viên Nghị viện Đức phải kê khai về việc tham gia của mình trong các doanh nghiệp khi sự tham gia này làm phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến công việc của người đó.
Trong khi đó, thành viên của Hạ viện Anh phải báo cáo về nhiều loại tài sản hơn, cụ thể là: Bất kỳ đất đai hoặc tài sản nào có giá trị hoặc tài sản mà từ đó phát sinh thu nhập.
Lợi ích dưới dạng cổ phần do người đó nắm giữ, cả dưới tư cách cá nhân hoặc thay mặt vợ/chồng hay con cái chưa thành niên của người đó, trong bất kỳ công ty công hay tư nào mà giá trị của nó lớn hơn 15% vốn cổ phần đã phát hành của cả công ty; hoặc có giá trị 15% hoặc ít hơn so với vốn cổ phần đã phát hành nhưng giá trị lớn hơn tiền lương hiện tại của người đó.
Quà tặng có thể được coi là một hình thức thu nhập đặc biệt. Thành viên nghị viện Anh phải kê khai bất kỳ quà tặng nào có giá trị lớn hơn 1% so với lương của mình. Ở Pháp, thành viên nghị viện phải kê khai bất kỳ quà tặng nào, dù giá trị của nó là bao nhiêu.
Các hình thức xử lý vi phạm
Việc không chấp hành các quy định về kê khai được chia thành 2 nhóm gồm vi phạm về nghĩa vụ nộp bản kê khai: không nộp bản kê khai và chậm muộn trong việc nộp kê khai. Và vi phạm liên quan đến việc cung cấp thông tin trong bản kê khai, gồm: Cung cấp thông tin không đầy đủ theo yêu cầu; Vô ý cung cấp sai thông tin; Cố tình cung cấp sai thông tin.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và Cơ quan của LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), 60- 90% các quốc gia đã quy định một số chế tài xử phạt vi phạm. 80% các quốc gia có kê khai đều có chế tài xử lý việc không nộp bản kê khai, trong số đó 65- 75% quốc gia có chế tài xử phạt việc kê khai không đúng sự thật.
11 trên tổng số 20 quốc gia chỉ rõ rằng mình có chế tài xử phạt cho tất cả các loại vi phạm, bao gồm không nộp bản kê khai, nộp bản khai chậm muộn, không kê khai đầy đủ và kê khai không đúng sự thật.
Các hệ thống pháp luật khác nhau có thể có những quy định khác nhau về các loại trách nhiệm pháp lý, trong đó có trách nhiệm hình sự, hành chính, kỷ luật, dân sự.
Luật về Đạo đức Chính phủ của Hoa Kỳ nêu việc phạt tiền hoặc phạt tù dưới 1 năm hoặc cả phạt tiền và phạt tù đối với những ai cố tình kê khai sai thông tin mà mình được yêu cầu báo cáo.
Ở Italia, các thành viên của chính phủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không nộp bản kê khai về các lợi ích của mình hoặc kê khai không trung thực. Ở Ba Lan và Anh cũng vậy, các chế tài hình sự có thể được áp dụng đối với một số công chức.
Hình thức phổ biến nhất của chế tài hành chính là phạt tiền. Các chế tài kỷ luật được sử dụng điển hình đối với các công chức làm việc trong khu vực dịch vụ công. Các vi phạm về kỷ luật thường được đưa vào một đạo luật riêng, ví dụ như luật về công vụ. Các hình thức xử phạt hiện hành thường là: khiển trách, hạ bậc lương, sa thải…
Ở Hoa Kỳ, theo quy định tại Phần 102 của Luật Đạo đức Chính phủ, Tổng Chưởng lý có thể truy cứu trách nhiệm dân sự đối với cá nhân mà cố tình làm sai lệch hoặc cố tình không nộp bản kê khai hoặc không kê khai những thông tin mà mình được yêu cầu kê khai. Tòa án có thể xử phạt dân sự đối với cá nhân vi phạm số tiền lên tới 50.000 USD.