Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh:

Không có chuyện “hy sinh” thị trường chứng khoán!

Không có chuyện “hy sinh” thị trường chứng khoán!
TP - "Chống lạm phát là ưu tiên số một hiện nay, nhưng, thị trường CK cũng hết sức quan trọng. Không phải ta hy sinh thị trường. Chính phủ chủ trương là cố gắng giữ thị trường, để ổn định, từng bước phục hồi và phát triển", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết.
Không có chuyện “hy sinh” thị trường chứng khoán! ảnh 1
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh

Thị trường chứng khoán đã giảm điểm 12 phiên liên tiếp, VN - Index còn 449,24 điểm. Và chưa có dấu hiệu chững lại đà sụt giảm. Trao đổi với Tiền phong bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng “Thị trường vẫn đang tiếp tục trầm lắng”.

Ông Ninh phân tích: Thị trường ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, cả trong nước và ngoài nước. Ngoài nước thì tình hình kinh tế thế giới, lạm phát, đang có biến động rất thất thường. Giá cả hàng hóa chủ yếu của thế giới cũng ảnh hưởng, cho nên nó tác động tới các nhà đầu tư.

Trong nước thì kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, lạm phát thì cao. Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát là số một, cho nên ta phải áp dụng các biện pháp thắt chặt về tiền tệ, và thắt chặt về tài chính.

Và vì vậy, tác động tới tăng trưởng, nó tác động trực tiếp làm thị trường CK trầm lắng. Tuy nhiên, còn có một nhân tố quan trọng đó là các nhà đầu tư của ta đang thiếu bình tĩnh, phân tích tình hình.

Thưa Bộ trưởng, từ diễn biến xấu liên tiếp, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường sẽ đổ vỡ trong nay mai, ông nhận định thế nào?

Mặc dù là giá đang xuống, nhưng nhìn vào chỉ số P/E thì nó phản ánh rằng giá cổ phiếu hiện nay đang rất thấp, cho nên vẫn còn cơ hội mua vào, còn cơ hội phục hồi được. Thứ hai, vừa rồi rất nhiều DN công bố thông tin, cho thấy tuy sản xuất kinh doanh có bị ảnh hưởng nhưng mà nó vẫn phát triển tốt.

Không có chuyện “hy sinh” thị trường chứng khoán! ảnh 2 Theo tôi, cái khó khăn chỉ là tạm thời, và trước mắt thôi. Nói là trước mắt nhưng có lẽ là cũng phải hết năm 2008. Rồi khi tình hình kinh tế ổn định, thị trường sẽ phục hồi đượcKhông có chuyện “hy sinh” thị trường chứng khoán! ảnh 3 - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh

Những tín hiệu đó, nhìn về tổng thể, thì thị trường CK vẫn là một thị trường có khả năng tốt trong tương lai. Tuy nhiên các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, nhiều khi bị hoang mang, dao động quá. Trong bối cảnh như thế lại ào ạt bán ra, cho nên nó tác động rất lớn đến thị trường như hiện nay.

Về vĩ mô, nhìn tổng thể cũng tương đối là tốt, nhất là về dài hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhận định như vậy- thể hiện thông qua thị trường là người ta vẫn đang mua vào. Nhìn chung cả giai đoạn thì phải đánh giá khối lượng mua vào của nó.

Bộ trưởng có cho rằng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chịu đựng được nữa hay không?

Cũng tùy thuộc khả năng của các nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư dùng vốn của mình thì nó khác, nhưng nếu nhà đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay thì cũng gay go. Vì tình hình tài chính, tiền tệ và ngân hàng hiện nay cũng đang khó khăn.

Nhưng có phân tích cho rằng, ở thị trường CK, hiện nay đang sử dụng nguồn vốn vay là chủ yếu?

Cái này thì thật sự là khó, chưa thể đánh giá được.

Chính phủ đã từng có hàng loạt biện pháp để “cứu” chứng khoán, vậy tại sao thị trường vẫn không phục hồi được?

Như tôi đã nói, thị trường đang chịu tác động của rất nhiều yếu tố như vậy-những yếu tố đó tác động rất lớn đối với thị trường.

Thực ra, những biện pháp vừa qua cũng chỉ có thể tác động mức độ thôi, chứ không thể nào nói rằng có thể hoàn toàn chi phối thị trường một cách mạnh mẽ được. Đó chỉ là biện pháp đưa ra để các nhà đầu tư thấy là ta có tác động, tức là về lâu dài không phải là quá xấu.

Thưa Bộ trưởng, Nhà nước đã rót tiền qua SCIC để “cứu” chứng khoán, nhưng thực tế cho thấy biện pháp này không hiệu quả, Nhà nước cũng không thể bỏ tiền vào đó mãi ?

Việc tham gia vào thị trường như vậy, chủ yếu là để ổn định tâm lý các nhà đầu tư thôi. Còn nếu mà Nhà nước bỏ tiền ra để mua toàn bộ cổ phiếu đấy thì cũng không được, ta không đặt vấn đề như vậy. Còn về biên độ, tôi cho là trước mắt cũng không nên mở biên độ, vì mở nữa thị trường sẽ rớt mạnh hơn.

Vậy thì, thưa Bộ trưởng, để chống lạm phát liệu có phải hi sinh chứng khoán không?

Chống lạm phát là ưu tiên số một hiện nay, vì nó tác động rất lớn tới cả kinh tế và xã hội. Thế nhưng, thị trường CK cũng hết sức quan trọng. Không phải ta hy sinh thị trường. Chính phủ chủ trương là cố gắng giữ thị trường, để ổn định, từng bước phục hồi và phát triển.

Vì thị trường cũng có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Đương nhiên, khi thực hiện những biện pháp kia, thì thị trường chứng khoán sẽ bị tác động, nhưng mà không phải là “hy sinh” thị trường CK, vì nếu thế thì sẽ có nhiều vấn đề xấu xảy ra.

Như vậy, tới đây Chính phủ có biện pháp gì nữa không?

Hiện nay đang yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố thông tin một cách lành mạnh, và đồng thời phải làm thế nào đó để giúp các nhà đầu tư bình tĩnh hơn.

Nguyễn Tuấn 
Thực hiện

MỚI - NÓNG