Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân:

Không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp!

Truyền thông về các phương tiện tránh thai cho công nhân
Truyền thông về các phương tiện tránh thai cho công nhân
Dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế, xã hội cho nữ công nhân nhập cư thông qua gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp đặc điểm về giới tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai”, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động, đặc biệt là bộ phận công nhân nữ.

Sau 3 năm triển khai, dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế, xã hội cho nữ công nhân nhập cư thông qua gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp đặc điểm về giới tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai” do tổ chức Marie stopes Việt Nam (MSV) thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015 với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (dự án EU-CSR) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động, đặc biệt là bộ phận công nhân nữ tại các nhà máy trên địa bàn Bình Dương và Đồng Nai…

Dự án thiết thực

Theo nghiên cứu khảo sát năm 2013 tại các nhà máy cung ứng hàng tại Bình Dương và Đồng Nai, với hơn 100.000 lao động nhập cư là nữ, kiến thức, thái độ và thực hành về sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế: 41,9% công nhân cảm thấy e ngại/ rất e ngại khi cần sử dụng một biện pháp tránh thai, 28,6% chưa bao giờ khám phụ khoa hay bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nào; cơ sở y tế tại các nhà máy đa phần chưa cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS); các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội tại các nhà máy hầu hết được xây dựng dựa trên Luật lao động và yêu cầu của thương hiệu.

Nhằm mục tiêu cải thiện môi trường chính sách và công cụ hướng dẫn quy định tại nơi làm việc để tăng cường sự bảo vệ về kinh tế xã hội cho phụ nữ cũng như sức khỏe của họ và nâng cao vai trò của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế tại Bình Dương và Đồng Nai, tổ chức Marie Stopes Việt Nam cùng với các đối tác dự án tại hai tỉnh triển khai nhiều hoạt động: tập huấn nâng cao nhận thức và hỗ trợ các tập đoàn, nhà máy bổ sung hoàn thiện chuẩn mực Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có lồng ghép phù hợp đặc điểm về giới, cùng làm việc với chính quyền địa phương và các tập đoàn nhằm thúc đẩy việc thực thi các chính sách đã được soạn thảo và hỗ trợ các tập đoàn thiết kế các chương trình chăm sóc SKSS phù hợp trong nhà máy, cung cấp dịch vụ SKSS tại nơi làm việc, nâng cao nhận thức về quyền sức khỏe sinh sản, các dịch vụ hỗ trợ cho cả nam và nữ công nhân thông qua đội ngũ Giáo dục viên đồng đẳng của nhà máy.

Dự án đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS và tình dục  của công nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại phòng y tế nhà máy, tạo ra một  lực  lượng lao động khỏe mạnh, gắn bó với nhà máy, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp/ nhãn hàng.

Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh thì Bình Dương,dự án CSR của MSV thật sự thiết thực bởi thông qua các hoạt động của Dự án không chỉ giúp công nhân được nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, nâng cao kiến thức về chăm sóc SKSS, bình đẳng giới mà còn thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động nói chung và nữ công nhân nói riêng.

Nhiều hoạt động ý nghĩa cho nữ công nhân

Trong suốt thời gian tham gia Dự án, một số nhà máy tại Bình Dương, Đồng Nai như Foster, King Maker, Esprinta, Shyang Hung Chen, Pou Sung, Pou Chen, Việt Vinh,…  phối hợp với tổ chức MSV tổ chức các đợt khám lưu động tại nhà máy kết hợp với Ngày hội sức khỏe với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lồng ghép giáo dục về SKSS – tình dục, các vấn đề về giới. Công nhân được khám SKSS ngay trong giờ làm việc tại nhà máy, phát hiện bệnh, được bác sỹ tư vấn trực tiếp  và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, khám lưu động tại nhà máy có thể tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và chất lượng đảm bảo. Các phòng y tế nhà máy dần khôi phục tín nhiệm với công nhân. 65% công nhân đánh giá chất lượng phòng y tế nhà máy là “tốt”, hoặc  “rất tốt” so với tỷ lệ 35% khi mới bắt đầu dự án.

Không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp! ảnh 1

Ảnh – Công nhân đăng ký khám SKSS tại buổi khám lưu động tại Nhà máy

Theo bà Trần Theo bà Trần Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Chương trình Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp, Marie Stopes Việt Nam: Phần lớn lực lượng lao động trẻ tại các nhà máy đều độc thân, xa gia đình, khi có những khúc mắc họ thường tìm đến sự chia sẻ của những đồng nghiệp tin cậy. Do vậy, dự án đã đào tạo 279 giáo dục viên đồng đẳng (GDVĐĐ) tại 9 nhà máy tham gia Dự án. Sau khi được các chuyên gia của MSV tập huấn kiến thức về SKSS, kỹ năng giao tiếp, truyền thông, Luật bình đẳng giới và Luật Lao động liên quan tới quyền phụ nữ, các GDVĐĐ tổ chức tuyên truyền cho công nhân nhà máy. GDVĐĐ chính là nhân tố cốt lõi tăng nhận thức của người lao động về SKSS dưới nhiều hình thức như truyền thông nhóm lớn, truyền thông nhóm nhỏ hoặc tâm sự 1:1. Vấn đề được công nhân quan tâm nhất là sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai.

Ông Brock Chang, Trưởng phòng Trách nhiệm doanh nghiệp, Công ty Pou Chen chia sẻ: “Trong ba năm qua, Dự án đã hỗ trợ chúng tôi một nền tảng vững chắc để duy trì các hoạt động này, nhất là đạo tạo nhóm 30 giáo dục viên đồng đẳng và tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ tại phòng y tế. Công nhân hài lòng và chúng tôi đạt được nhiều tiến bộ. Công ty chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động này”.

Đánh giá về Dự án, ông Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: “Dự án do MSV thực hiện đã mang lại nhiều lợi ích trực tiếp, ý nghĩa tích cực cho cho công nhân, đặc biệt là công nhân nữ tại các nhà máy thuộc tỉnh Đồng Nai. Tôi nghĩ Dự án đã thay đổi nhận thức của cả doanh nghiệp và lao động trong việc thực hiện quyền của nữ công nhân cũng như tăng cường sự quản lý, giám sát của các sở, ngành đối với doanh nghiệp, nhà máy.

Dự án EU-CSR và những con số:

Thực hiện tại 9 nhà máy ở Bình Dương và Đồng Nai với hơn 100.000 lao động nữ trong 3 năm (2013-2015). Hơn 500.000 lượt công nhân được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ Dự án; Đào tạo 279 giáo dục viên đồng đẳng và hàng trăm lượt cán bộ y tế về SKSS; Hỗ trợ trực tiếp chi phí khám SKSS tại các cơ sở y tế trong hệ thống chuyển gửi của Dự án qua chương trình thẻ dịch vụ, tin nhắn cho hơn 5.000 công nhân. Tỷ lệ nữ công nhân nhập cư phải tự trả chi phí khám SKSS giảm xuống còn 26%.

MỚI - NÓNG