Cuối tuần qua, Lễ hội “TPHCM - Ngôi nhà của chúng ta” năm 2022 đã được khai mạc tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) với sự tham dự của gần 20 quốc gia là Campuchia, Cuba, Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, tỉnh Aichi, thủ đô Viêng Chăn - Lào, thủ đô Manila - Philippines, tỉnh Gangwon, Gyeongsangbuk-do và Gyeonggi - Hàn Quốc.
Lễ hội nhằm giới thiệu đến cộng đồng quốc tế những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung, của thành phố nói riêng; đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng các nước, nhất là các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác, kết nghĩa với TPHCM giới thiệu và quảng bá những nét đặc trưng về văn hóa dân tộc đến đông đảo người dân thành phố. Đây cũng là dịp giúp TPHCM tiếp nối chuỗi hoạt động kích cầu ngành du lịch, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm.
Du khách tham quan không gian triển lãm “TPHCM - Ngôi nhà của chúng ta” trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Ngô Tùng |
Ngoài hoạt động trưng bày tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực trung tâm còn diễn ra các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thể thao (đờn ca tài tử, trình diễn thời trang dân tộc, xiếc, ảo thuật, hòa tấu nhạc cụ).
Trong thời gian này, người dân, du khách trong và ngoài nước có dịp trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TPHCM, diễn ra tại trục đường Lê Lợi (quận 1) với các hoạt động nghệ thuật truyền thống múa sạp, xòe dân tộc Thái, múa Khèn dân tộc Mông, múa xòe dân tộc Hà Nhì, múa dân tộc Lào...
Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết, trong tháng 12, ngành du lịch thành phố xác định đặt mục tiêu thị trường du khách quốc tế là trọng tâm với kỳ vọng quý 4 lượng khách quốc tế đến thành phố sẽ đảm bảo đáp ứng kế hoạch năm đề ra. Do đó, ngành du lịch thành phố xem chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị - “Lễ hội Ngôi nhà của chúng ta” lần này là sự kiện mở màn trong tháng 12 để đón chào khách quốc tế. Ngay sau đó, Sở Du lịch TPHCM cũng tổ chức Tuần lễ du lịch văn hóa với nhiều hoạt động nổi bật như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô, Lễ hội khinh khí cầu lớn nhất từ trước đến nay, giải Marathon quốc tế TPHCM…
Phố ẩm thực hút khách
Du khách thích thú trước gian hàng dệt thổ cẩm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng |
Cùng với các lễ hội, TPHCM xây dựng, phát triển những phố ẩm thực và đưa vào danh sách những điểm đến thú vị nhằm hút khách du lịch trong và ngoài nước. Chợ ăn đêm thành điểm đến của du khách Phố ẩm thực Phan Xích Long có thuận lợi gần trung tâm thành phố và thuận tiện cả giao thông đường bộ lẫn đường thủy. Ban tổ chức đã kết hợp ẩm thực với hoạt động du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ngoài thưởng thức các món ăn, thức uống mang nhiều phong vị các vùng miền, du khách tới đây còn được phục vụ ca nô du lịch, thuyền chèo tay trên dòng kênh này. Đây cũng là điểm kết nối với tuyến du lịch đường thủy từ Phú Nhuận đi các điểm tham quan về đêm trên sông Sài Gòn như cầu Phú Mỹ, khu vực Tân Cảng, bán đảo Thanh Đa….
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ - nơi bán sỉ hoa lớn nhất TPHCM, vốn là điểm thu hút du khách. Đến đây, du khách có những trải nghiệm ngắm, mua hoa hay là chụp hình bên những loài hoa đẹp và yêu thích. Cùng với chợ hoa, để đáp ứng nhu cầu của du khách, chính quyền địa phương đã nâng cấp Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ trở thành “thiên đường ẩm thực” với hàng ngàn món ăn độc đáo từ rất nhiều quốc gia. Trên các trang diễn đàn, giới trẻ đã coi phố Hồ Thị Kỷ là “phố siêu rẻ” với rất nhiều món ngon.
Bên cạnh các phố ẩm thực, nhiều doanh nghiệp cũng đã vào cuộc cùng chính quyền TPHCM xây dựng các chương trình quảng bá những món ăn nổi tiếng tại Việt Nam như Ngày của Phở, Lễ hội Bánh mỳ… Các chương trình không chỉ thu hút các nghệ nhân ẩm thực tham gia mà còn là nơi thi tài, chế biến và giới thiệu với những biến thể từ phở và bánh mỳ. Nhiều món ngon khác tại TPHCM như cơm tấm, gỏi cuốn cũng sẽ được đưa vào các chương trình quảng bá ẩm thực trong thời gian tới.
Đến phố ẩm thực Phùng Hưng, nơi được ví như “Thế giới ăn vặt quận 5”, du khách được thưởng thức những món ngon của người Hoa hay những ăn của miền Tây sông nước như bánh tằm bì, xá xíu, khổ qua cà ớt, há cảo, phá lấu, ốc, hàu....Ngoài ẩm thực, du khách còn được ngắm những con phố cổ trăm năm tuổi mang đậm dấu ấn kiến trúc hay sinh hoạt của người Hoa như phố lồng đèn Lương Nhữ Học, phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông… Các món ăn phong phú, đăc trưng của người Hoa Chợ lớn cũng đã được Dự án “Chợ Lớn food story” quảng bá rộng rãi. Với bề dày lịch sử, văn hóa hơn 300 năm hình thành và phát triển, khu vực quận 5 là nơi hội tụ ẩm thực tinh hoa của người dân tứ xứ với những quán ăn có tuổi tính bằng cả đời người với nhiều món ăn tiêu biểu được tôn vinh và giới thiệu xứng với cách nói dân gian “Ăn quận 5, nằm quận 3”.
Chủ xe bán thức ăn Hàu Chiên trứng trên đường Phùng Hưng cho biết, ông đã bán món này tại đây hơn 50 và thương hiệu Hàu Chiên trứng đã thành danh, được nhiều người yêu thích: “Được đưa vào hoạt động trong phố ẩm thực, tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều du khách biết tới. Vui lắm!”. Nhiều công ty lữ hành đã xây dựng các tour mới dành cho du khách tới TPHCM, trong đó có những điểm đến trải nghiệm với ẩm thực mang bản sắc riêng của thành phố sôi động này.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, thông qua các hoạt động ẩm thực đã và đang được triển khai cho thấy du lịch TPHCM đi đúng hướng trong việc khai thác những lợi thế về ẩm thực. Việc quảng bá những món ăn đặc sắc sẽ là cơ hội để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo tiếp tục thu hút du khách tới TPHCM.