Chiều 6/10, Hội đồng nhân dân TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn TPHCM năm 2022, nhằm trao đổi và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp và các sở ngành trong quá trình phục hồi và thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển ngành du lịch thành phố.
Phát triển kinh tế đêm một cách bài bản
Trao đổi tại hội nghị, bà Ngô Thanh Thúy - Trưởng bộ phận điều hành tour (Khách sạn Rex) cho rằng thành phố có nhiều công trình, con đường có thể phát triển du lịch. Chẳng hạn, đường Lê Lợi (quận 1) rất đẹp sau khi tái lập mặt bằng, tuy nhiên hiện nay nơi này như một con đường “chết” vào buổi tối. “Tôi kiến nghị thành phố xem xét cho phát triển loại hình ẩm thực đường phố đồng thời kết hợp các chương trình lễ hội, các show biểu diễn trên hai đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ”, bà Thúy nêu ý kiến.
TPHCM có nhiều lợi thế phát triển du lich - Ảnh: SGPP |
Trong khi đó, bà Lê Quỳnh Thư - CEO của APEX Multimedia - cho rằng thành phố có dư tài nguyên, điều kiện để phát triển kinh tế đêm một cách bài bản. Do đó nên nghiên cứu cho phép mở thêm một số khu vui chơi tập trung được phép mở cửa đến 4 giờ sáng với điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh. Mặt khác, TPHCM cũng cần mở cửa các sân khấu du lịch - điều thành phố chưa có hiện nay.
Bà Quỳnh Thư nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng |
Làm việc trong ngành tổ chức sự kiện, bà Quỳnh Thư bày tỏ mong muốn được góp sức tổ chức những lễ hội tạo nên dấu ấn đồng thời góp thêm GDP cho TPHCM. Những lễ hội mà thành phố hoàn toàn có thể tổ chức được (như lễ hội âm nhạc đương đại, lễ hội ánh sáng...) sẽ giúp ngành du lịch thành phố phát triển hơn nữa.
Góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị chủ quản loại hình tàu buýt đường sông Saigon Waterbus) nhìn nhận chính nhịp sống, hơi thở của đô thị là giá trị bền vững nhất cho du lịch thành phố. “Qua đại dịch, chúng tôi nhận thấy giá trị nhân sinh, giá trị cuộc sống là vốn quý và sản phẩm du lịch là giá trị bền vững nhất. Tôi mong rằng trong từng sản phẩm phục vụ cuộc sống dân sinh và những sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố nên được khuyến khích phát triển hơn nữa”, ông Toản chia sẻ.
Dưới góc độ người làm du lịch văn hóa, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Huỳnh Ngọc Vân cho rằng từ trong đại dịch, thành phố cần có sự liên kết giữa ngành du lịch và văn hóa chặt chẽ hơn nữa để nâng cấp và cống hiến cho du khách những sản phẩm chất lượng hơn. Đặc biệt, thành phố cũng phải quan tâm chăm sóc những sản phẩm dù cũ nhưng đã trở thành bản sắc vốn có của thành phố.
Giám đốc Bảo tàng Áo dài Huỳnh Ngọc Vân trao đổi tại hội nghị. |
Trao đổi thêm, bà Huỳnh Ngọc Vân cũng cho biết, trải qua đại dịch vừa qua, các bảo tàng công lập gặp phải nhiều thử thách lớn bởi ngoài nguồn thu bị giảm sút nghiêm trọng, các đơn vị này còn bị chảy máu chất xám khi nhiều cán bộ, công chức phải rời khỏi ngành để kiếm sống bằng những công việc khác. Do đó, bà Vân cho rằng cần có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với những người còn trụ lại được. “Mặt khác, chúng tôi cũng mong ngành du lịch thành phố có kế hoạch huấn luyện, tập huấn cho người lao động của ngành bảo tàng cũng có phong cách năng động, sáng tạo như người làm du lịch”, bà Huỳnh Ngọc Vân đề xuất.
Doanh nghiệp kỳ vọng ngành du lịch không khói của thành phố bứt phá dựa trên các tiềm năng của mình. |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy phúc đáp một số kiến nghị của doanh nghiệp. |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị từng địa phương trên địa bàn thành phố cần xác định và nâng chất các sản phẩm của mình, trong đó hết sức lưu ý nâng cao chất lượng dịch vụ. “Phát triển du lịch bền vững là phải kéo khách du lịch quay trở lại với chúng ta. Do đó rất cần sự phối hợp tốt giữa các ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa kết hợp và chia sẻ cũng rất quan trọng. Cùng với đó là phải biết giới thiệu, quảng bá những sản phẩm du lịch, đồng thời cũng quan tâm ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo mang lại giá thành hợp lý”, ông Đức bày tỏ.
Hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch TPHCM
Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc để phát triển du lịch thành phố, UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và công bố Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược ở từng giai đoạn gắn với thực hiện Đề án du lịch thông minh trong tổng thể Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; thống nhất thông điệp điểm đến TPHCM.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. |
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu ngành du lịch thành phố đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch lễ hội sự kiện, sản phẩm du lịch ban đêm gắn với kinh tế đêm, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với đặc trưng của TP. Thủ Đức và 21 quận huyện, du lịch hội nghị - hội thảo và du lịch ẩm thực.
“Chúng ta còn phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng số lượng và chất lượng cho sự phát triển ngành du lịch thành phố trong thời gian tới. Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trực tuyến”, bà Lệ yêu cầu.