Du lịch sau đại dịch: Phục hồi, chưa bền vững

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại diễn đàn “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam năm 2022” (diễn ra trong hai ngày 8 và 9/8) tại TPHCM, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp du lịch chỉ ra các tồn đọng trong ngành du lịch cần nhanh chóng giải quyết nhằm phục hồi, phát triển ngành công nghiệp không khói sau đại dịch.

Thưa vắng khách nước ngoài

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết. TPHCM đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút du khách, tăng cường thông tin, quảng bá và xúc tiến du lịch, khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước... mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong 7 tháng đầu năm, ngành du lịch TPHCM đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch nội địa và hơn 765.000 lượt khách quốc tế, đạt tổng thu khoảng 60 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 76% so với kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn rất khiêm tốn so với trước đại dịch COVID-19 cũng như tiềm năng của thành phố.

Du lịch sau đại dịch: Phục hồi, chưa bền vững ảnh 1

Du khách thưởng thức ẩm thực tại khách sạn Grand TPHCM. Ảnh: Trọng Thịnh

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, dù đã chính thức mở cửa với du khách quốc tế từ ngày 15/3 nhưng cho tới nay, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa tăng như kỳ vọng. Sản lượng khách quốc tế mới chỉ đạt từ 10-15% so với trước dịch. Lý do then chốt là vấn đề mở cửa song phương với nhiều thị trường lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… chưa được khai thông. Mặt khác, chính sách visa cũng là điểm nghẽn lớn hiện nay. “Một nhu cầu rất bức thiết hiện nay là phải hình thành thể chế xúc tiến vùng để có được những sản phẩm mang tính chủ lực của địa phương, dần dần đưa từ “vịnh ra biển”, ông Dũng nêu ý kiến.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 954.000 lượt, tuy tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng mới đạt gần 20% so với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Việc phục hồi khách quốc tế không chỉ là mục tiêu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp du lịch, hơn 2 triệu lao động trong ngành mà còn liên quan tới hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ tại các địa phương.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng, nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi toàn ngành du lịch và cũng chưa thể phục hồi hoàn toàn kinh tế đất nước sau đại dịch. Du lịch chỉ hoàn toàn phục hồi khi các hạn chế đi lại song phương, đa phương giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ được dỡ bỏ. Đặc biệt là khi lòng tin của du khách được phục hồi để an tâm tham gia các chương trình đi lại, du lịch quốc tế. Vì vậy, trong thời gian còn lại của năm 2022, ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh các chương trình, sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt tại các thị trường du lịch quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Úc, ASEAN…

Nhìn nhận đúng vai trò du lịch nội địa

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nói rằng, thị trường du lịch quốc tế hiện nay có nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp cần định hướng thị trường mới từ cơ quan quản lý, không chỉ trước mắt mà cho những năm tiếp theo. “Ngay bây giờ, cần có định hướng du lịch quốc tế cho năm 2023. Cần có hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế”, ông Thắng kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho rằng, du lịch đã khởi sắc sau thời gian mở cửa từ tháng 3. “Tuy nhiên, đừng chỉ nhìn thấy toàn màu hồng và sự tăng trưởng từ khi mở cửa đến nay để rồi không nhận diện rõ những khó khăn. Thực tế còn nhiều mảng tối trong hoạt động du lịch, từ khâu dịch vụ cho đến sản phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nếu như không có tâm lý dồn nén sau đại dịch thì chưa hẳn đã có lượng khách nội địa đạt được như hiện nay. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp yêu cầu suy nghĩ thấu đáo, nghiêm túc, bài bản trong cách làm của mình. Và, nếu vẫn dễ dãi trong cung cấp sản phẩm thì ngành du lịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị trong ngành cần có tư duy và hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch vừa qua. Những người trực tiếp làm du lịch phải chú trọng đến những từ khóa và thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra trong lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022. Đó là: hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối.

“Ngành cần bắt đầu bằng tư duy này để nhìn nhận lại các công việc. Muốn làm du lịch đòi hỏi phải có sản phẩm du lịch, phát triển và làm mới sản phẩm du lịch hiện có, chú trọng du lịch văn hóa; tìm hiểu xu hướng và đáp ứng nhu cầu người dân và du khách...Điều quan trọng hiện nay là phải quán triệt vai trò của du lịch nội địa lúc này chính là bệ đỡ của du lịch quốc tế và có cách nhìn mới về vai trò và đóng góp của du lịch nội địa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.