Khoảng bình yên trong 'bão'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giảm giá nhà trọ, không tăng giá hàng ăn, bán hàng hỗ trợ người lao động… được nhiều cá nhân, tổ chức triển khai, phần nào giúp người khó khăn có thêm động lực vượt “bão giá”.
Khoảng bình yên trong 'bão' ảnh 1
Quán cháo 1.000 đồng của ông Minh phục vụ đa số công nhân, người lao động. Ảnh: U.P

Tấm lòng chủ trọ

Sở hữu gần 100 căn phòng trọ và ki-ốt cho thuê, bà Thái Kim Anh (phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, bà miễn phí tiền thuê 3 tháng liền cho công nhân. “Bây giờ giá cả leo thang, thấy công nhân khó khăn nên thay vì thu 1 triệu đồng/tháng, tôi chỉ lấy 700.000 đồng/tháng. Mình khó khăn nhưng có thể xoay xở được còn công nhân thì khác” - bà Kim Anh nói.

Xúc động khi biết tin chủ trọ giảm giá, chị Trương Thị Mến (ở tại khu nhà trọ bà Thái Kim Anh) nghẹn ngào nói: “Trong lúc khó khăn, nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của chủ nhà trọ, vợ chồng tôi cũng như nhiều người xa quê tới Bình Dương làm ăn cảm thấy rất ấm lòng”.

Tương tự, bà Phạm Ánh Tuyết (chủ cơ sở kinh doanh gần 150 nhà trọ tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, mặc dù phòng trọ được xây dựng lại cao thoáng, đẹp hơn nhưng không tăng giá phòng. Ngoài ra, để tiếp sức cho công nhân vượt “bão giá”, bà Tuyết giảm 50% tiền phòng từ nay đến hết năm 2022. Mỗi phòng trọ có diện tích 30m2 ở được 4 người nhưng giá chỉ 750 nghìn đồng/tháng.

Theo thống kê từ ngành chức năng tỉnh Bình Dương, cho thấy có 700 khu nhà trọ với gần 14.000 phòng thực hiện miễn, giảm giá. Nhờ đó, người lao động thuê trọ được giảm chi phí với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng/tháng. Các địa phương có nhà trọ thực hiện hỗ trợ giảm tiền thuê nhiều nhất là thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát với mức giảm từ 20-50%.

Ðể hỗ trợ người lao động khó khăn, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết: “UBND tỉnh đã chấp thuận đề nghị của Liên đoàn về việc hỗ trợ gia đình đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, số lượng khoảng 5.000 suất, mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt, giúp công nhân vượt qua khó khăn”.

Lời ít một chút…

Tầm 16 giờ mỗi ngày, trước căn nhà nhỏ số 221/10 Phan Văn Khỏe (phường 5, quận 6, TPHCM), quán cháo “Về đây em” của vợ chồng ông Phan Công Minh (66 tuổi) tấp nập khách. “Bán 1.000 đồng cháo nha chú” - chị Võ Thị Sơn (quê Quảng Ngãi) vừa nói, vừa đặt xấp vé số xuống bàn rồi đấm nhẹ vào vai cho bớt đau nhức trong khi chờ cháo. “Tui vào TPHCM bán vé số hơn 10 năm rồi, từ đó tới giờ, quán cháo này giúp tôi no bụng mà tiết kiệm được tiền” - chị Sơn bộc bạch.

Theo ông Phan Công Minh, quán cháo mở từ năm 2003. Khi mở quán, giá bán mỗi tô cháo trắng là 500 đồng, nhưng đến năm 2012, tờ 500 đồng không còn phổ biến nên ông bà thống nhất tăng giá bán lên 1.000 đồng/tô và giữ giá đó đến bây giờ. “Mỗi đợt xăng lên giá, thịt trứng lên theo, khách hỏi tôi có tăng giá bán cháo không? Nói thật, tôi không có ý thay đổi gì cả” - ông Minh bộc bạch.

Trong khi đó, quán Bún mắm trên đường Hoa Sứ (quận Phú Nhuận) còn treo hẳn biển “Quán không tăng giá” ngay trước tiệm tạo nhiều thiện cảm với thực khách. Chị Nguyễn Thị Minh (quản lý quán) tâm sự, từ khi xăng tăng giá kỷ lục lên 30.000 đồng/lít thì nguyên liệu đều tăng theo từ 30-50%. “Mặc dù chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn nhất quyết không tăng giá trong suốt 2 năm qua. Thôi thì mình lời ít lại một chút để giữ khách, cũng là chung tay giúp khách hàng yên tâm khi đến ăn uống” - chị Minh cho hay.

Những ngày thứ 6, tại Ban Bảo vệ dân phố phường 3 (quận Tân Bình), xe “Bánh mì hai ngàn đồng” đón khách là những người lao động khó khăn ghé qua. Nâng niu ổ bánh mì nóng hổi, bên trong có đủ thịt, pate… bà Trang (56 tuổi, làm nghề nhặt ve chai) phấn khởi: “Mua bánh mì ở đây, tôi tiết kiệm được gần 20.000 đồng trong ngày. Trong thời buổi vật giá thế này, có được những quầy hàng bán giá hỗ trợ đỡ cho người nghèo nhiều lắm”.

Mô hình trên do Hội Chữ thập đỏ cùng các đoàn thể phường 3 thực hiện. Bà Lê thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 3 cho biết: “Để hỗ trợ người lao động, công nhân khó khăn có được bữa ăn sáng với chi phí thấp, có thêm kinh phí dành dụm cho gia đình, chúng tôi đã lập ra xe bánh mì này. Bán bánh mì với giá hỗ trợ để người mua không cảm thấy ngại khi đến nhận bánh. Mô hình được duy trì vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Chúng tôi cũng sẽ tăng số lượng bánh trong những lần tới để ai cũng có thể mua được”.

MỚI - NÓNG