Khoản tiền 20 tỷ đồng "bất khả thi"

Khoản tiền 20 tỷ đồng "bất khả thi"
TP - Nhiều cá nhân, đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ “người đương thời Nguyễn Đình Chiến lừa đảo” vừa có kháng nghị đề nghị xem xét giám đốc thẩm phần dân sự trong vụ án. Tất cả đều có chung sự liên quan đến số tiền 20 tỷ đồng ông Chiến bị quy kết đã lừa đảo ĐH Nguyễn Trãi.

> 'Người đương thời' nhận án chung thân

Theo bản án phúc thẩm ngày 15-8-2011, ông Nguyễn Đình Chiến (Chủ tịch HĐQT Cty Bắc Hà, trụ sở tại Hà Nội, kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Bắc Hà, trụ sở tại Hồng Kông) đã sử dụng nhiều tài liệu, giấy tờ giả chứng minh năng lực tài chính “khủng” để giới thiệu với ông Nguyễn Tiến Luận (Chủ tịch HĐQT ĐH Nguyễn Trãi).

Tháng 6-2008, ĐH Nguyễn Trãi đã nộp cho ông Chiến 20 tỷ đồng “vốn đối ứng” để nhận một cam kết từ Bắc Hà cho trường này vay 100 triệu Euro. Khi cam kết không được ông Chiến thực hiện, ông Luận tố cáo ông Chiến lừa đảo.

Theo các cơ quan tố tụng, trước phi vụ với ĐH Nguyễn Trãi, ông Chiến còn sử dụng thủ đoạn trên để hứa cho Cty Tân Phong (Phú Thọ) vay 2 triệu USD, Cty Đại Viễn Dương (TPHCM) vay 20 triệu USD, Cty Cổ phần thương mại dịch vụ chế biến nông sản (Hà Nội) vay 2 triệu USD.

Những đơn vị này đã nộp cho ông Chiến nhiều tỷ đồng “vốn đối ứng”, song sau đó đều không nhận được một đồng vốn nào.

Theo xác định của các cơ quan tố tụng, ông Chiến đã dùng chính 20 tỷ đồng nhận từ ĐH Nguyễn Trãi để chuyển trả Cty Tân Phong hơn 3,6 tỷ đồng; trả bà Trần Thị Thành (một người cho ông Chiến vay tiền) 5 tỷ đồng; trả Cty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông Elcom corp (Hà Nội) hơn 500 triệu đồng; còn lại cho vay và chung vốn làm ăn với một số người…

Do xác định số tiền này liên quan đến hành vi lừa đảo của ông Chiến, Tòa tuyên buộc các cá nhân, đơn vị đã nhận được tiền phải trả lại cho ĐH Nguyễn Trãi.

Kết thúc các phiên tòa sơ - phúc thẩm, Cty Tân Phong (Phú Thọ) là đơn vị đầu tiên trong số các cá nhân, đơn vị liên quan trên đã kháng cáo.

Họ cho rằng mình không có quan hệ, hợp đồng vay nợ gì với ĐH Nguyễn Trãi, nên không có nghĩa vụ phải trả nợ cho ĐH Nguyễn Trãi.

Cty Tân Phong khẳng định, họ ký hợp đồng vay vốn với Cty Bắc Hà và đã chuyển 3,2 tỷ đồng vốn đối ứng cho Bắc Hà.

Khi việc huy động vốn này không thành, 2 bên đã thanh lý hợp đồng và Cty Bắc Hà đã hoàn lại tiền cho Cty Tân Phong, đây là hợp đồng kinh tế hợp pháp.

Nhiều cá nhân, đơn vị khác cũng chung quan điểm, nếu cơ quan tố tụng quy kết nguồn tiền 20 tỷ đồng mà ông Chiến dùng để trả cho họ là tang vật lừa đảo, thì phải xử lý ông Chiến, buộc ông Chiến phải trả tiền “sạch” cho các đơn vị này.

Còn họ cũng chỉ là nạn nhân, không có trách nhiệm phải thay ông Chiến “trả nợ” cho ĐH Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, đề nghị này không được các cấp tòa chấp thuận.

Nguyễn Đình Chiến từng nổi tiếng với vụ án “oan sai thế kỷ” hơn 10 năm sa vào vòng lao lý. Năm 2006, ông Chiến được giải oan vô tội, sau đó đòi bồi thường 452 tỷ đồng. Đến nay, số tiền đòi bồi thường trên của ông Chiến chưa được Viện KSND Cần Thơ chấp nhận. Ở vụ án lừa đảo này, ông Chiến cũng đang tiếp tục kêu oan, cho rằng bị “hình sự hoá” các quan hệ kinh tế, dân sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.