Khó chấp nhận chuyện táo để 9 tháng là “bình thường”

TP - Trước thông tin Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Hồng cho rằng “quả táo để 9 tháng là bình thường”, các nhà khoa học và người tiêu dùng khi được hỏi đều cho rằng, nhận định này thật khó chấp nhận?
Khó chấp nhận chuyện táo để 9 tháng là “bình thường” ảnh 1

 Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin táo, lê vẫn tươi sau 6 tháng. Ảnh: Như Ý

Nhà phân phối, người tiêu dùng: không quá 1 tuần là hỏng!

Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn về việc làm rõ vì sao quả lê để 5 tháng, quả táo để 9 tháng không hỏng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng: “Quả táo để 9 tháng là bình thường”.

Theo ông Hồng, táo, lê để lâu phụ thuộc vào giống, nhiệt độ lý tưởng từ 1-5 độ C, không bị nhiễm vi sinh vật và được xử lý bằng các các chất bảo quản nằm trong danh mục cho phép.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện một siêu thị thường xuyên nhập khẩu các loại hoa quả như táo, lê, nho, cam, kiwi…từ các nước Úc, Mỹ, New Zealand, cho biết: Khi nhập về siêu thị phải tuân thủ các hướng dẫn bảo quản như lưu trữ trong phòng lạnh nhiệt độ dưới 5 độ C. Sau khi bày bán ra kệ hàng, chỉ không đầy một tuần là hoa quả có dấu hiệu giảm chất lượng, phải loại bỏ những quả hỏng.

Ông Lê Hoàng Hà, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Hiway cho biết, ông khá bất ngờ trước thông tin hoa quả nhập ngoại như táo, lê có thể để 9 tháng không hỏng. Bởi siêu thị Hiway hiện nhập khá nhiều loại hoa quả về bán.

Tuy nhiên khi bản thân ông mang về nhà dùng thường không để quá một tuần là hỏng. Chị Thu Hà, quận Hà Đông cũng chia sẻ, “chị mua loại táo xanh Mỹ ở siêu thị về để bàn thờ thắp hương, ngay ngày hôm sau táo đã bị thâm, hỏng”. Chị tin đó mới là loại hoa quả không sử dụng chất bảo quản hóa học.

Nhà khoa học: Không bình thường!

Nghiên cứu nhiều năm tại Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường Đại học Bách khoa, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, đến thời điểm hiện nay ngoại trừ phương pháp bảo quản hoa quả trong môi trường âm 60 độ C (CAS - Cells Alive System) có thể để được 1- 2 năm, thì không có bất cứ phương pháp bảo quản hoa quả nào có tuổi thọ lâu như thế.

“Mà giải pháp lưu trữ trong môi trường này hiện cũng chỉ được một số nước như Nhật, Mỹ… ứng dụng để bảo quản các loại quả đặc biệt quý hiếm”, TS Thịnh phân tích.

Ông lý giải, về mặt khoa học để một loại quả bất kỳ không bị hỏng phải tiêu diệt và chống được vi sinh vật tấn công, chống được côn trùng và cả sự sống chính trong loại quả đó.

Phản biện lại phương pháp gây ức chế etylen (quả chín sinh ra chất này), TS Thịnh cho rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời không thể tiêu diệt được hết vi sinh vật và không kéo dài được tuổi thọ của quả quá dài. Trong khi hoa quả tại Việt Nam bày bán lẫn lộn, người tiêu dùng vứt lăn lóc trong điều kiện, môi trường có nhiều vi sinh vật thì việc kéo dài tuổi thọ mà không sử dụng chất bảo quản là không thể. Ông cũng khẳng định, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng chưa từng biết đến giống cây nào có quả chín, rời cành 6 tháng mà vẫn nguyên vẹn.

TS Thịnh nghi ngờ, lê, táo để hàng tháng không hỏng có thể được chiếu xạ ở cường độ cao. Nếu quả bị chiếu xạ cường độ cao, quả sẽ bị nhiễm xạ, con người ăn vào sẽ nguy hiểm đến sức khỏe.

Nói về việc kiểm nghiệm chất bảo quản trong hoa quả hiện nay, TS Thịnh ví như, “bác sỹ đứng trước con bệnh câm. Người ta không nói đau gì, ở đâu, bác sỹ giỏi cũng khó mà tìm ra bệnh”.

PGS TS Trần Hồng Côn, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ hóa học Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên (Hà Nội) cho rằng, ở các nước Châu Âu họ cũng sử dụng các kỹ thuật hiện đại để bảo quản hoa quả được tươi lâu.

Đối với một số loại quả có vỏ dày, sau khi thu lượm, họ gây sốc nhiệt và sử dụng màng bọc không độc hại để bảo quản sản phẩm không bị vi sinh vật tấn công, sau đó cho vào hầm lạnh nhiệt độ dưới 12 độ C hoa quả có thể giữ được 6 tháng, còn nhiệt độ bình thường hoa quả sẽ không tồn tại được lâu.

Cũng theo PGS, đối với những sản phẩm nhập khẩu từ Châu Âu chúng ta có thể tin tưởng được công nghệ bảo quản đó. “Tuy nhiên, hoa quả nước ta như mớ bòng bong lẫn lộn với hoa quả Trung Quốc, chưa kiểm định được chất lượng ”, ông Côn nói.

Công bố phải có tài liệu chứng minh

Ngày 30/9, trao đổi với Tiền Phong về cách giải thích hiện tượng quả táo, lê để nhiều tháng trong điều kiện bình thường không hỏng của Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN&PTNT), GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, người công bố là người có trách nhiệm, kinh nghiệm, muốn phản biện phải có tài liệu khoa học.

Về thông tin trên, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng BVTV cho rằng, với các giống lê, táo có thời gian bảo quản dài, sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm vi sinh vật gây hỏng nhanh, được xử lý bằng chất bảo quản an toàn… có thể để được 6-10 tháng, thậm chí cả năm.

GS Dũng cho hay ông chưa tin lắm. “Tôi chỉ hỏi là ông ấy công bố thế là căn cứ trên cơ sở tài liệu, chứng cứ nào. Ông ấy cũng không thể suy đoán được, nếu không có tài liệu chứng minh, thì phải chịu trách nhiệm”- GS Dũng nói.

Nam Khánh

MỚI - NÓNG