Khi phụ huynh 'châm ngòi' tranh luận

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thế là “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được tái bản kèm theo dán nhãn 18 + đánh dấu cuốn sách đầu tiên ở ta gắn nhãn cảnh báo nội dung tình dục. Người châm ngòi cho cuộc tranh luận dẫn đến sách dán nhãn cảnh báo nội dung tình dục chính là vị phụ huynh lớp 11 ở trường quốc tế nọ, khi bà đăng bài cho rằng sách có nội dung “khiêu dâm”, có thể khiến con bà bị “đầu độc về mặt tinh thần”.

Làm thơ, viết văn bây giờ áp lực lắm!

Nhưng khi sóng yên bể lặng có người đặt câu hỏi: Tuỳ tiện ứng xử với tác phẩm văn học bằng cách “tặng” cho nó những từ ngữ đánh giá nặng nề như “nội dung khiêu dâm”, “ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa” thì xử lý thế nào? Ocean Vuong, cha đẻ cuốn sách vui vẻ chấp nhận phương án dán nhãn cho sách, để “đứa con tinh thần” được ra đời toàn vẹn, không bị cắt bỏ nhưng liệu nhà văn người Mỹ gốc Việt có chạnh lòng khi biết tác phẩm của mình bị định tội như thế?

Không phải chỉ có nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học ở ta bác bỏ đánh giá “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” có nội dung khiêu dâm mà ngay cả những độc giả đã từng thưởng thức “đứa con tinh thần” của Ocean Vuong cũng bảo vệ tác phẩm: “Những ý kiến chỉ trích chỉ tiếp cận tác phẩm qua đoạn trích. Thật đáng tiếc. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất tôi đọc, giàu chất thơ, đau đớn, dữ dội, sâu sắc, tình cảm, với ngôn từ đẹp”.

Khi phụ huynh 'châm ngòi' tranh luận ảnh 1

Tác giả Ocean Vuong

Vị này còn phản pháo những phụ huynh nhao nhao tấn công tác phẩm: “Các mẹ dễ shock thế này thì dạy con thế nào về giới tính và tình dục?”. Tài khoản khác thốt lên: “Đây là một tác phẩm chan chứa tình yêu thương, đầy xúc cảm về thân phận con người… Chúng ta đang làm gì với một tác phẩm văn học vậy? Tôi thấy sợ đấy. Trời ơi…”.

Cho nên dù dán nhãn cảnh báo vẫn có phụ huynh cho con dưới 18 tuổi đọc trọn vẹn “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” vì không phải ai cũng sợ con mình bị “đầu độc tinh thần”. Một tài khoản cho rằng: “Thiếu niên đọc một tác phẩm văn học là may mắn rồi, thay vì ngồi lướt TikTok nội dung 18+”. Biết đâu vì mỗi người mỗi ý mà “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” sẽ mau chóng cháy hàng trong lần tái bản này?

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” không phải tác phẩm văn học hiếm hoi lôi kéo sự quan tâm của phụ huynh. Trước đó bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng được các bậc phụ huynh bình luận rôm rả.

Thậm chí có tài khoản còn nặng nề đánh giá người sáng tác “vô tri”, thế mà đưa vào sách giáo khoa! Từ bài “Bắt nạt” các mẹ lại “soi” sang bài “Con chào mào” của nhà thơ Mai Văn Phấn (trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, Bộ kết nối tri thức). Tiếng kêu của chim trong thơ Mai Văn Phấn bị đem ra mổ xẻ: “triu… uýt… huýt… tu hìu…”. Con chào mào hót sai cú pháp? Con chào mào hót tiếng ngoại ngữ chăng? Các mẹ thắc mắc.

Một nhà thơ xin giấu tên than: “Làm thơ thời nay cũng áp lực lắm, nhất là khi bài thơ ấy lại lọt vào sách giáo khoa hay sách để học sinh đọc tham khảo, vinh dự chưa thấy đâu có khi đã “được” cộng đồng mạng tặng “đá” xây “nhà”. Tuổi cao, ở “ngôi nhà” xây bằng “đá” mạng không giữ được bình tĩnh dễ dẫn đến đột quỵ lắm!”.

Dán nhãn có kích thích tò mò?

Một biên tập viên mảng văn học của một nhà xuất bản tại Hà Nội chia sẻ: Không có quy định phải dán nhãn cho sách. Nhưng một nhà văn lớn tuổi lại cho rằng, với việc dán nhãn cho “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” sẽ châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận quanh những tác phẩm có nội dung tình dục. Tại sao “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” thì dán nhãn khuyến cáo lứa tuổi còn tác phẩm A, B, C lại không?

Ông còn nói vui: Có khi một số nhà văn lại mong sách mình được dán nhãn để kích thích sự tò mò của độc giả. Nhưng cứ nhìn sang phim ảnh sẽ thấy, dán nhãn 18+ chỉ có tác dụng kích thích khán giả một thời gian. Bây giờ phim dán nhãn nhan nhản ngoài rạp và vẫn thua lỗ nặng. Trong khi phim mới không cảnh sex của Lý Hải lại thắng đậm đà.

Nêu cao tinh thần “Biết tuốt”?

Thời chưa có mạng xã hội, các bậc phụ huynh cũng quan tâm đến sở thích nghe, đọc của con cái. Minh Hà, 40 tuổi, làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội kể: “Hồi cấp 3 tôi mê nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Có một lần bố tôi gọi tôi ra mắng: “Tuổi đời phơi phới không được nghe bài tuyệt vọng nữa, lại vận vào người”. Không chỉ can thiệp vào sở thích âm nhạc của con, ông can thiệp cả vào những cuốn truyện con gái đọc.

Chị Hà lại kể: “Bố tôi cấm tôi xem cuốn “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” vì quá nhiều chi tiết yêu đương mùi mẫn. Ông bảo, xem truyện này chỉ có hư người. Nói xong, ông giật cuốn sách trên tay tôi giấu đi”.

Nhưng người cha ấy không ngờ rằng ông càng cấm đoán càng kích thích cô con gái say mê những tác phẩm ấy. Tuy nhiên, mọi dự đoán của người cha đều sai, con gái ông không “hư người”, Minh Hà vẫn trưởng thành và lập gia đình, có công việc ổn định như bao phụ nữ bình thường khác.

Ngày ấy chưa có mạng xã hội. Bây giờ đã khác. Khánh Linh, 42 tuổi, độc thân, cho rằng: “Phụ huynh bây giờ cũng muốn chứng tỏ họ là những người hiểu biết để hoà vào phong trào các Facebooker “Biết tuốt”. Cho nên lĩnh vực nào cũng “chém”, dù chưa chắc đã có chuyên môn”.

Khi phụ huynh 'châm ngòi' tranh luận ảnh 2

Tăng Duy Tân, tác giả “Bên trên tầng lầu

Một nhà văn xin giấu tên nói: “Nhiều phụ huynh tự do bình luận một cách cảm tính. Ngoài quyền phát ngôn trên mạng xã hội, họ còn có quyền khác, quyền của phụ huynh.

Nhưng nhân danh quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng để tham gia vào diễn đàn mở phụ huynh cũng nên kiềm chế ngôn ngữ ít nhiều vì có thể làm tổn thương người khác. Người sáng tác vốn có trái tim nhạy cảm. Dù đang giận run thì vị phụ huynh nọ cũng cần kiềm chế, lựa lời mà viết, không thể đánh giá tác phẩm của Ocean Vuong bằng những từ khiếm nhã như thế”.

Ngoài văn chương thì âm nhạc cũng được các phụ huynh dành sự quan tâm không ít. Gần đây, đồ uống có cồn vào ca khúc khá nhiều. Có phụ huynh bày tỏ băn khoăn với ca từ trong ca khúc “Bên trên tầng lầu” từng giành giải Bài hát của năm, Giải thưởng Cống hiến 2023: “Vì sao em phải khóc/Có đáng để buồn đâu/Rượu kề môi em nốc/Thoáng phút chốc đã vơi u sầu”. Đáng mừng vị này bình luận khá ý nhị: “Dùng rượu giải sầu chưa bao giờ được hoan nghênh. Mong con gái mình không học theo phương pháp này”.

Hay một ca khúc được nhiều bạn trẻ yêu thích “Martini” của Hứa Kim Tuyền - Văn Mai Hương cũng khiến một số phụ huynh lăn tăn hoặc lắc đầu: “Uống thêm một chút rồi ta sẽ hôn/Sẽ hôn vào má rồi hôn vào môi/Uống thêm nhiều chút rồi ta sẽ ôm/Sẽ ôm nhau ở đấy, nồng cháy/Thêm một chút rồi ta sẽ xem/Cuốn phim lần trước xem như chẳng xem gì/Để em được ấp trọn vòng tay của anh/Quấn nhau đến gần sáng, tận sáng…”.

Khi phụ huynh 'châm ngòi' tranh luận ảnh 3

Nhiều khán giả trẻ thích thú “Martini” của Văn Mai Hương nhưng một số phụ huynh lại thấy bất an với ca khúc này

Một nam phụ huynh U50 đề nghị: “Không nên vỗ tay cho những ca khúc thế này, giới trẻ sẽ học theo. Chưa nói đến việc trẻ con bây giờ hay bắt “trend” ca khúc người lớn”. Phụ huynh Mai Liên, Bệnh viện 175, TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Một bài hát độc hại. Ca từ nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt nghe khó chịu”. Trên mạng, có phụ huynh bình luận: “Người trẻ bây giờ viết nhạc lạ thật. Cứ thật như đếm, chẳng hình ảnh hay bóng gió gì”.

Một nhà thơ cũng là một phụ huynh có con trai đang lớn lại nghĩ thoáng: “Ca khúc là đời sống, hãy để cho nó được ra đời tự nhiên, đừng đánh giá giáo điều. Còn nếu người nào đó muốn quảng cáo cho đồ uống có cồn thuê nhạc sĩ sáng tác bài này lại là chuyện khác”. Anh nói thêm: “Tuổi nào cũng có ứng xử văn hoá, gu thẩm mĩ của tuổi đó. Không nên lấy cái ngày xưa để áp vào ngày nay. Cứ đem hai thế hệ đối chọi nhau thì không chỉ dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình mà cả ngoài xã hội”.

MỚI - NÓNG
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
TPO - Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo đảm các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”; là “tai, mắt”; là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân.