Khi nào trả lại cho cộng đồng Công viên Tuổi trẻ?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều khu vui chơi trong công viên Tuổi trẻ xuống cấp nguy hiểm
Nhiều khu vui chơi trong công viên Tuổi trẻ xuống cấp nguy hiểm
TP - Để giải quyết dứt điểm vướng mắc, sớm đưa công viên trở lại với cộng đồng, nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội kiến nghị cần sớm đưa hơn 800 hộ dân ra khỏi quy hoạch công viên Tuổi trẻ…

Đây là dự án công viên ngay giữa trung tâm Thủ đô bị biến tướng, gây bức xúc trong nhân dân suốt hai thập kỷ qua…

Khốn khổ vì dự án treo

Anh Lê Anh Đức (ngõ 167 Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho biết, dù nhà ngay đối diện công viên Tuổi Trẻ Thủ đô nhưng gia đình hiếm khi vào công viên. Bởi khoảng chục năm sinh sống ở đây, khu vực này vô cùng nhếch nhác, xe cộ đi lại trong công viên nhiều nên trẻ con ra chơi không an toàn. Chưa kể, các khu vực vòng quay, sông lười (công viên nước), cùng nhiều hạng mục đã xuống cấp, han gỉ, bỏ hoang lâu năm hết sức nguy hiểm. “Chúng tôi mong muốn Hà Nội sớm cải tạo lại công viên để người dân có nơi vui chơi, đi dạo”, anh Đức nói. Ngay chiều 23/12, khi phóng viên Tin Phong đi khảo sát thực tế, nhiều hạng mục công trình tại công viên vẫn bị sử dụng kinh doanh sai quy định. Toàn bộ vỉa hè quanh công viên thành bãi xe chật kín…

Khi nào trả lại cho cộng đồng Công viên Tuổi trẻ? ảnh 1

Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Lê Hoàng Đức cho biết, hơn 800 hộ dân địa bàn dân cư số 4 gần 20 năm qua sống lay lắt trong khu vực dự án treo. Đây là các hộ dân sống nhiều thế hệ tại địa phương, nhân khẩu tăng nhiều, con cái lớn phải dựng vợ gả chồng trong khi nhà quá chật chội tạm bợ mà không được xây dựng lại, hộ khẩu không được cấp. Người dân sống trên địa bàn nhiều năm kiến nghị giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại đây để trả lại công viên cho cộng đồng và đưa hơn 800 hộ dân ra khỏi quy hoạch dự án. “Chậm xử lý sai phạm tại công viên gây nhiều áp lực khó khăn với chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh trật tự, quản lý xây dựng”, ông Đức nói.

Liên quan dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, cử tri quận Hai Bà Trưng tiếp tục kiến nghị thành phố sớm thực hiện rà soát, lên danh sách tổng thể về dự án, xử lý những tồn tại, nhằm bảo đảm đời sống cho người dân khu vực này. Tuy nhiên đến nay, việc xử lý các sai phạm tồn đọng trong khu vực này rất chậm. Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, năm 2020, Thanh tra Thành phố Hà Nội ban hành kết luận thanh tra toàn diện việc đầu tư quản lý công viên Tuổi Trẻ. Từ đó đến nay UBND quận đã đình chỉ hoạt động 2 sân bóng đá, đang yêu cầu cuốn cỏ di chuyển đi nơi khác. Đối với các sân tennis ngoài trời, quận đã đình chỉ, tháo dỡ toàn bộ hệ thống đèn. Việc trông giữ xe trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Công an quận đã ra quân xử lý lập chốt kiểm soát nhưng vẫn chưa triệt để, thời gian tới quận tiến hành lắp đặt chốt cứng không cho phương tiện ra vào, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Chưa biết khi nào công viên về với cộng đồng

Theo ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, mong mỏi thiết tha của người dân là sớm đưa công viên trả lại cho cộng đồng. Công viên không chỉ giải quyết một phần nhu cầu vui chơi của người dân khu vực phường Thanh Nhàn mà còn là nơi người dân của nhiều phường lân cận đến đi bộ, tập thể thao. “Phường và quận nhiều lần đề nghị sau khi đưa hơn 800 hộ dân ra khỏi quy hoạch công viên và cần xây dựng nơi đây thành công viên mở, dành cho tất cả mọi người có thể ra vào”, ông Đức nói.

Theo tìm hiểu của PV Tin Phong, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội vừa có tờ trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ với dự án Công viên Tuổi trẻ, hiện đang chờ UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Tại buổi làm việc đầu năm 2021 của Bí thư Thành ủy Hà Nội với quận ủy Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định: “Khu vực Công viên Tuổi trẻ Thủ đô rất phức tạp, liên quan đến doanh nghiệp, liên quan đến quản lý, vi phạm đầu tư…”.

Trước nhiều kiến nghị của cử tri, HĐND TP Hà Nội đã 2 lần đưa trách nhiệm quản lý nhà nước và sai phạm của chủ đầu tư Công viên Tuổi trẻ ra chất vấn. Tuy nhiên, sau những lời hứa “xử lý nghiêm” của đại diện lãnh đạo UBND thành phố, vụ việc tiếp tục bị rơi vào quên lãng!

Theo ông Tuấn, cách đây 10 năm, thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, có dấu hiệu biến thành một công viên chuyên đề, mật độ xây dựng rất cao, xấp xỉ 30%, trong khi theo quy định, mật độ xây dựng trong công viên chỉ được 5%, còn lại 95% là cây xanh.

“Trên cơ sở kiến nghị của quận giữ lại 886 hộ, thành phố sẽ kiến nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 để xử lý các vấn đề liên quan đến không gian chức năng, quy định pháp luật, đất đai, quy hoạch, xây dựng. Thành ủy cũng thống nhất với chủ trương cho tách 886 hộ dân ra khỏi ranh giới ảnh hưởng quy hoạch 1/500. UBND thành phố cũng tán thành việc này”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với PV Tin Phong bên lề cuộc họp HĐND thành phố mới đây, ông Dương Đức Tuấn cho biết, đoàn công tác của thành phố về việc thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã rất tích cực thực hiện các nội dung được giao. Ông Tuấn nói: “Mặc dù dịch bệnh diễn ra phức tạp nhưng mới đây tôi cũng đã có thông báo tiến độ làm việc của tổ công tác, cũng như thúc trách nhiệm xử lý của tổ công tác”.

Khi nào công viên Tuổi trẻ thực sự trở về với cộng đồng tiếp tục là câu hỏi với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

MỚI - NÓNG