Không thực hiện chỉ đạo của thành phố
Trong kết luận vừa được Thanh tra TP Hà Nội công bố về thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng đã chỉ ra các hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ đã diễn ra nhiều năm (từ năm 1999 - 2010).
Điều đáng nói, các vi phạm này đã được UBND TP chỉ đạo xử lý nhưng các cấp không thực hiện. Cụ thể, năm 2019, UBND TP có 10 văn bản, năm 2020 có 2 văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Xây dựng đề xuất phương án xử lý đối với 4 công trình (mái che 4 sân tennis ngoài trời; nhà nổi giữa hồ; nhà hát ngoài trời có mái che Cung Xuân; tầng hầm công trình sân tennis có mái che 1500 chỗ) và giao UBND quận Hai Bà Trưng xử lý công trình hạng mục vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng trong Công viên Tuổi trẻ.
UBND TP Hà Nội nhiều lần ra văn bản chỉ đạo song đến nay Sở Xây dựng vẫn chưa đề xuất phương án xử lý vi phạm của nhà hàng Cung Xuân
Tuy nhiên, đến nay Sở Xây dựng chưa có đề xuất xử lý đối với 4 công trình; UBND quận Hai Bà Trưng chưa thực hiện xử lý dứt điểm các công trình hạng mục như: sân bóng đá mini và nhà dịch vụ cạnh sân bóng đá mini, 1 điểm trong giữ xe do Công ty Hoàng Hà khai thác; 7 hộ lấn chiếm gần 640m2 (tại khu vực Tây Bắc Công viên Tuổi trẻ); Nhà hàng Queenbee; Khu văn phòng Trung tâm hợp tác lao động Quốc tế; hạng mục miếu liều…. là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP.
“Trách nhiệm thuộc Phó Giám đốc Sở Xây dựng phụ trách và trách nhiệm người đứng đầu của Giám đốc Sở Xây dựng; Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách đô thị, đất đai và trách nhiệm người đứng đầu của Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng”, Kết luận thanh tra chỉ rõ.
Dây dưa xử lý loạt công trình trái phép trong Công viên Tuổi trẻ
Vẫn theo Kết luận thanh tra, năm 1991, UBND TP có quyết định thành lập Công viên Tuổi trẻ và sau đó vào các năm: 1998, 2001, 2010 dã phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch Công viên Tuổi trẻ theo hướng trở Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội. Về việc quản lý và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật của Công viên có 2 giai đoạn được TP giao 2 đơn vị thực hiện. Giai đoạn 1 từ năm 1991-1999 do lực lượng Thanh niên xung kích Hà Nội quản lý, thực hiện.
Giai đoạn từ năm 1999 đến nay do Công ty Thương mại và đầu tư phát triển Hà Nội (nay là Công ty TNHH MTV đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội) quản lý, tiếp tục thực hiện GPMB và đầu tư xây dựng 7 hạng mục công trình hạ tầng trong công viên bằng nguồn vốn ngân sách; 2 hạng mục nguồn vốn doanh nghiệp; 18 hạng mục công trình bằng nguồn vốn huy động.
Theo Thanh tra TP, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án, quản lý sử dụng đất công viên, xây dựng công trình trái phép.
Cụ thể, kết luận chỉ rõ, từ năm 1999 đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhưng không làm thủ tục xin giao, thuê đất theo quy định Luật Đất đất đai năm 2003.
Thay vào đó, công ty đã tự sử dụng quyền sử dụng đất để xây dựng công trình và khai thác đối với 18 ha đất công viên là hành vi bị nghiêm cấm.
Cùng với đó, một số hạng mục, công trình xây dựng không đúng quy hoạch công viên được UBND TP phê duyệt như: 3 điểm trông giữ xe, 13 hạng mục công trình...Cũng theo Kết luận thanh tra, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư xây dựng sai phé một số hạng mục nhưng Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng không phát hiện kịp thời để có có biện pháp ngăn chặn.
Theo đó, có 7 công trình hạ tầng được xây dựng từ năm 2000; 8 công trình xây dựng từ năm 2001-2008 sử dụng vào mục đích kinh doanh (Nhà đa năng; nhà hàng Tuổi trẻ; 10 sân tennis; bể bới người lớn – trẻ em; trò chơi du quay; sân khấu ngoài trời; nhà dạy nghề; nhà điều hành sân bóng đá mini) và 2 công trình xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp (hệ thống thoát nước, tượng đài Võ Thị Sáu) không có giấy phép xây dựng.
Bên cạnh đó, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Thanh Nhàn, Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng, Thanh tra xây dựng phường Thanh Nhàn không thiết lập hồ sơ xử lý, xử lý không kiên quyết dẫn đến vẫn tồn tại các công trình vi phạm, gây bức xúc dư luận.
Từ kết luận trên, Thanh tra TP đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu Thành đoàn Hà Nội, Tổng Cty du lịch Hà Nội (là cơ quan chủ quản Công ty TNHH MTV đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội), Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, UBND quận Hai Bà Trưng, Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng... nghiêm túc rút kinh nghiệm với những tồn tại nêu trên.
Kỷ luật 21 cán bộ liên quan sai phạm
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2000, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí... của nhân dân.
Tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2002 là 282 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách TP là 280 tỷ đồng. Năm 2010, UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết công viên này theo hướng trở thành Trung tâm Thanh - Thiếu niên Hà Nội...
Tuy nhiên, sau đó, khu vực này xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm; các hạng mục công trình dở dang.
Tháng 3/2019, Thanh tra TP.Hà Nội đã thành lập Đoàn Thanh tra để thanh tra toàn diện quá trình thực hiện dự án trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Tháng 8/2019, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu phải giải tỏa, cưỡng chế các công trình vi phạm tại công viên này trong quý IV-2019.
Tháng 4/2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã kỷ luật 21 cán bộ quận Hai Bà Trưng và phường Thanh Nhàn do liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng tại công viên Tuổi trẻ.