Theo các chuyên gia, suất lương hưu trên tuy gây sốc, nhưng lại “rất hợp lý” trong trường hợp cụ thể này. Bởi nó được tính dựa trên số tiền và cách thức vị sếp nọ đóng bảo hiểm trước đó, khi Luật Bảo hiểm Xã hội (2006) chưa ra đời. Nên cũng không có gì phải thắc mắc. Có chăng chỉ thêm một bằng chứng cho thấy sức tiêu xài vào bia bọt của dân ta vào hạng dữ dội, mới tạo ra mức lương hưu, dù đã khấu trừ đủ thứ mà vẫn còn “khủng” đến thế.
Để ngăn chặn nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội lần này hướng đến việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội và giảm lương hưu theo cách tính mới. Vì các chuyên gia cho rằng đang có sự mất cân đối lớn giữa mức đóng bảo hiểm với việc hưởng lương hưu, nói cách khác là đang còn “đóng ít, hưởng nhiều”.
Thực tế, ngoài cá biệt bộ phận, ngành được hưởng lương hưu cao, thì đại đa số những người về hưu hiện nay lương hưu rất thấp. Các nhà xây dựng luật cho rằng phải hướng đến nguyên tắc lương hưu chỉ là khoản bù đắp cho hao phí lao động được hưởng khi tuổi già, chứ không hướng đến việc “phải sống đàng hoàng bằng lương hưu”.
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam, với số đông, đồng lương đang đi làm cũng còn không đủ sống hằng ngày, lấy đâu mà tích lũy cho tuổi già, nên khi già cả ốm yếu còn biết trông cậy vào đâu ngoài suất lương hưu ? Bởi vậy, đại biểu Quốc hội mới đây đề nghị nếu ngân sách khó khăn không thể tăng lương đồng đều, thì cũng phải phân loại những nhóm người hưởng lương thấp để tăng.
Lương thấp và rất thấp, hầu hết rơi vào những người lao động trực tiếp, trần thân không một mảnh chức tước. Còn bộ phận gián tiếp, hưởng lương theo hệ số chức vụ thì cứ phình ra ngốn lương cao ngất. Bởi vậy, dễ thấy trong guồng máy công chức nhà nước “cắp ô” hiện nay, nhiều bộ phận cứ 2 người lại có 1…tổ trưởng, vài người lại đẻ ra một phó phòng. Gắn chức vụ vào để được hưởng lương, thưởng cao chứ chẳng được tích sự gì. Thành phần ấy đông đảo đến nỗi có đại biểu Quốc hội phải than: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.
“Bóp” lương hưu lại để có đủ tiền chi, để khỏi vỡ quỹ bảo hiểm, cũng là một cách. Để hợp lý và khoa học hơn, tránh những suất lương hưu 65 triệu. Nhưng đó vẫn không phải là trung sách, thượng sách. Trong khi những trăm tỷ, ngàn tỷ thuế dân vẫn bị đem ném sông ném biển, phơi nắng mưa không hề tiếc xót, và chui vào túi của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ.
Hãy bóp mạnh, bóp đúng, bóp đau ngay vào thói chi tiêu công quỹ như phá như đốt của “một bộ phận không nhỏ” ấy, của các cơ quan ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.